Nhiều xe máy, ô tô bị khóa, thậm chí bị phạt tiền, khi đậu trong nội khu các tòa chung cư gây bức xúc dư luận trong thời gian gần đây. Theo ý kiến của chuyên gia, các vấn đề xử phạt trong khuôn viên chung cư cũng cần tuân thủ quy định pháp luật.
Ô tô bị khóa khi đậu xe không đúng vị trí tại chung cư Masteri Thảo Điền - Ảnh: NGỌC QUÝ
Nhận được phản ảnh của bạn đọc về việc chung cư phạt tiền người dân khi đậu xe không đúng nơi quy định, Tuổi Trẻ đã liên hệ các bên liên quan nhằm làm rõ vấn đề.
Đóng phạt mới cho lấy xe
Tháng 8-2023, anh N.N.M.C. (phường Cát Lái, TP Thủ Đức) đến tòa nhà chung cư Saigon Royal (phường 13, quận 4, TP.HCM) để giải quyết công việc. Khi đó, anh C. được bảo vệ hướng dẫn chạy xe và gửi tại hầm tòa nhà.
Sau khi giải quyết công việc, anh C. quay trở lại hầm thì bị phía bảo vệ thông báo giữ xe và yêu cầu đóng phạt 500.000 đồng mới được đưa xe đi.
"Khi hỏi quy định này ở đâu thì bộ phận bảo vệ nói do ban quản trị tòa nhà họp với hội nghị nhà chung cư và được hội nghị này đồng ý cho áp dụng. Thế nhưng họ không cung cấp quy định vì bảo đây là tài liệu nội bộ", anh C. cho biết.
Sau đó, anh C. đến cơ quan Công an phường 13 (quận 4) để trình báo vụ việc. Theo lời anh C., bộ phận tiếp dân tại cơ quan này đã thông tin cho anh rằng mức phí 500.000 đồng mà ban quản trị tòa nhà chung cư Saigon Royal đưa ra đã thông báo với UBND phường và được phường đồng ý.
"Không có căn cứ nào để đưa ra mức phạt là 500.000 đồng. Ban quản trị nhà chung cư vốn không có thẩm quyền trong việc phạt tiền người dân. Tôi cũng không đồng ý với cách giải thích của bên công an phường", anh C. bức xúc.
Hiện anh C. đã làm đơn khởi kiện gửi đến TAND quận 4 và gửi ý kiến phản ảnh vụ việc đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Riêng tại khu vực chung cư Saigon Royal, chúng tôi ghi nhận tại nơi vào hầm gửi xe có bản thông báo xe vãng lai đậu tại hầm B3. Vi phạm lần thứ nhất sẽ đóng phạt 500.000 đồng, vi phạm lần hai phải đóng 1 triệu đồng.
Tương tự, tại một số khu vực của các tòa nhà chung cư hiện cũng áp dụng biện pháp khóa xe của người dân nếu đậu không đúng nơi quy định.
Anh N.Q.N. (38 tuổi, quận 10) trước đó có đến khu vực chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) để rút tiền. Khoảng 10 phút sau, xe của anh N. đã bị bảo vệ chung cư khóa bánh vì đậu xe không đúng nơi quy định.
Anh N. cho biết đã làm việc và giải thích với bảo vệ hơn 30 phút nhưng vẫn không được đồng ý mở khóa. Ngay sau đó, anh N. đã mời công an khu vực đến làm việc. Tại đây, phía bảo vệ và đại diện tòa chung cư đã nhận lỗi và yêu cầu anh để lại thông tin liên lạc để gửi văn bản phản hồi, xin lỗi trong thời hạn từ 3-8 ngày.
"Tôi không đồng ý với việc khóa bánh xe, nếu tôi đậu sai thì cần nhắc nhở và hướng dẫn về vị trí cụ thể. Mặc dù tôi đã để lại thông tin nhưng họ không có động thái liên hệ xin lỗi, không giữ cam kết như ban đầu", anh N. bức xúc.
Một biển thông báo phạt tiền đậu xe không đúng vị trí tại một chung cư - Ảnh: KHẮC HIẾU
Đối với khách vãng lai đến chung cư, cần theo sự chỉ dẫn của các bảo vệ tại khu vực. Đồng thời, người dân nên quan sát các biển báo, quy định tại những đường liên quan đến chung cư đó, tránh để xảy ra tranh chấp.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) nhấn mạnh việc xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.
Điều này được quy định tại khoản 2 điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
"Ban quản lý chung cư không có thẩm quyền trong việc phạt tiền người dân dù đó là vi phạm trong khu vực nội bộ. Việc phạt tiền đối với hành vi vi phạm của công dân thuộc về quyền hạn của cơ quan chức năng có thẩm quyền", luật sư Tuấn nói thêm.
Theo luật sư Tuấn, điều 104 Luật Nhà ở 2014 đề cập rất cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của ban quản trị tòa nhà chung cư. Trong đó, không có quy định nào liên quan đến việc ban quản trị có thể áp dụng hình thức phạt tiền.
"Trong thực tế, nhiều trường hợp ban quản trị nhà chung cư lạm dụng quyền hạn của mình trong việc quản lý dân cư để tự ý đưa ra những nguyên tắc, quy định điều chỉnh hoạt động của chung cư. Khi người dân làm sai, họ tự ý ra quyết định yêu cầu người dân nộp tiền phạt.
Đây là hành vi không đúng với quy định của pháp luật. Người dân cần nắm rõ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình", luật sư Tuấn cho biết.
Đối với trường hợp người dân bị khóa xe trong khu vực đường nội bộ chung cư, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cần phải xác định phía chung cư có quy định về việc đậu xe và trong quy định đề cập đến nội dung xử lý.
"Nếu không có nội quy hoặc có nhưng không đề cập đến việc khóa xe thì không thể tự ý khóa xe. Phía ban quản lý phải có hướng dẫn đỗ xe, nhắc nhở vi phạm", luật sư Nghiêm nói thêm.
Trong trường hợp xe đậu sai vị trí ở đoạn đường đã được phía chung cư bàn giao cho Nhà nước, luật sư Nghiêm chỉ ra: "Đường nội bộ nhưng đã đấu nối với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng thì không thuộc thẩm quyền quản lý của chung cư nữa. Thẩm quyền xử lý, xử phạt phải thuộc về chính quyền địa phương".
Cũng theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, nếu xảy ra tranh chấp trong quá trình xử lý, trước hết phải thông qua hòa giải tại phường, xã theo quy định về hòa giải cơ sở. Nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì phải đưa ra tòa giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Liên quan vụ việc anh N.N.M.C. bị phạt 500.000 đồng vì lỗi đậu xe sai quy định, ngày 12-10 chúng tôi đã liên lạc với ban quản lý tòa nhà chung cư Saigon Royal và phía UBND phường 13, quận 4 nhằm làm rõ vụ việc liên quan.
Các bên đã tiếp nhận phản ánh và hẹn thời gian đưa ra câu trả lời. Sau đó, các đơn vị này liên tiếp hẹn chúng tôi nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía chung cư Saigon Royal và UBND phường 13.
Theo Khắc Hiếu - Ngọc Quý/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ban-quan-ly-chung-cu-co-quyen-phat-tien-khoa-xe-nguoi-dan-khong-20231103213859077.htm