BẮC GIANG - Dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều lần song hoạt động trông coi, bảo quản ở một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (đền, đình, chùa...) vẫn bộc lộ nhiều lỗ hổng. Từ đó, các đối tượng xấu dễ lợi dụng để trộm cắp tiền công đức, hiện vật, cổ vật, tư liệu quý.
Từ ngày 7 đến 11/10, 5 ngôi đình ở các thôn: Thuyền, Núm, Núi, Đông Nghè, Nguộn thuộc xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) liên tiếp bị mất trộm tiền công đức. Những vụ trộm gây hoang mang, bức xúc trong dư luận nhân dân. Qua điều tra, cơ quan công an xác định cả 5 vụ đều do 2 đối tượng là Nguyễn Đình Vinh (SN 2005) và Nguyễn Đình Kiên (SN 2006) cùng ở thôn Rừng Trong, xã Dĩnh Trì gây ra. Toàn bộ số tiền gần 4,2 triệu đồng trộm được, Vinh và Kiên sử dụng tiêu xài cá nhân.
Đối tượng Đinh Tiến Mạnh (bên trái) và Nguyễn Việt Thắng (bên phải) cùng nhiều tang vật tại cơ quan công an. Ảnh: CTV.
Trung tá Nguyễn Hồng Giang, Trưởng Công an xã Dĩnh Trì phân tích, các vụ trộm cắp trên đều được thực hiện vào ban đêm (từ 24 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau). Thời điểm nay, những ngôi đình không có người trông coi; chỉ khóa một lớp bảo vệ. Vinh và Kiên dễ dàng dùng kìm cộng lực cắt khóa, lấy toàn bộ tiền trong hòm công đức. Tất cả các vụ trộm chỉ được phát hiện vào hôm sau.
Trước đó, vào tháng 6/2023, Công an TP Bắc Giang và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh, Bộ Công an đã điều tra, làm rõ và bắt giữ Đinh Tiến Mạnh (SN 1987), xã Yên Phương, huyện Ý Yên (Nam Định) và Nguyễn Việt Thắng (SN 1987), xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vì có hành vi trộm cắp gần 100 triệu đồng tiền công đức ở đền Xương Giang (TP Bắc Giang). Qua đấu tranh, các đối tượng còn khai nhận đã gây án ở một số cơ sở tín ngưỡng, thờ tự khác trên địa bàn tỉnh như: Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung (Việt Yên); đền thờ Liệt sĩ huyện Tân Yên và đền Thề thuộc Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế (Yên Thế).
Thực tế cho thấy, công tác trông coi, bảo vệ tại nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, bộc lộ nhiều lỗ hổng về an ninh. Đơn cử như tại đền Xương Giang, nơi đây có diện tích rộng, tách biệt với nhà dân song Ban Quản lý mới bố trí 2 bảo vệ/ca trực (một người trông coi ở cổng ra vào, người còn lại trực ở nhà khách). Toàn bộ di tích chưa được trang bị đèn báo động, khóa chống trộm. Hay như ở đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung; đình, chùa Thổ Hà, xã Vân Hà (cùng ở huyện Việt Yên) và nhiều di tích khác trên địa bàn tỉnh chỉ có người trông nom ban ngày, lại là người cao tuổi.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2,2 nghìn cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó 746 di tích được xếp hạng. Huyện Việt Yên cũng từng xảy ra một số vụ trộm cổ vật, hiện vật. Bà Dương Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà trăn trở: “Việc bảo quản tài sản, cổ vật, hiện vật và bảo vệ di tích nói chung đang bộc lộ không ít bất cập. Nhiều người làm công việc này trong tình huống phải kiêm nhiệm, chưa được bố trí kinh phí phù hợp; ở một số nơi giao cho hội viên hội người cao tuổi ở địa phương. Lực lượng bảo vệ mỏng, cơ bản dựa vào tinh thần tự nguyện của nhân dân. Thành viên của một số ban quản lý di tích địa phương chưa nắm hết giá trị của các cổ vật nên có tâm lý xem nhẹ việc trông coi, bảo vệ”.
Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đang lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật có giá trị nghệ thuật, lịch sử, kinh tế lớn. Các di tích thường nằm xa khu dân cư, rất ít người đến vào buổi tối. Nhiều di tích chưa xây dựng phương án bảo vệ di vật, cổ vật hiệu quả, bài bản; chưa lắp đặt hệ thống camera an ninh, chưa thống kê theo dõi, số hóa tài liệu, hiện vật để quản lý. Đây chính là nguyên nhân khiến những đối tượng xấu dễ nảy sinh lòng tham, thực hiện hành vi trộm cắp.
Trước thực trạng trên, các địa phương cần quan tâm kiểm tra các ban quản lý di tích trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Từ đó kịp thời biểu dương đơn vị làm tốt, chấn chỉnh các đơn vị hoạt động chưa hiệu quả, nhất là công tác bảo vệ tài sản ở các di tích.
Công an các địa phương tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền rà soát công tác bảo đảm an toàn tại các di tích, yêu cầu khắc phục ngay các bất cập; đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trộm cắp tài sản; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ, thành viên phụ trách trông coi và ban quản lý các di tích. Tập trung nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nâng tỷ lệ điều tra đối với án trộm cắp hiện vật, cổ vật, tiền công đức, góp phần tạo lòng tin trong nhân dân. Mỗi người dân cũng cần tích cực tham gia đấu tranh, phát hiện, tố giác loại tội phạm này.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp, Phó trưởng Công an TP Bắc Giang khuyến cáo, ban quản lý các di tích cần nâng cao tinh thần cảnh giác, bố trí thêm lực lượng bảo vệ, trông coi, tổ chức tuần tra vào ban đêm. Thường xuyên kiểm kê tiền công đức theo tuần, tháng gửi vào tài khoản tại ngân hàng; rà soát, lập bảng biểu thống kê hiện vật, cổ vật; lắp đặt hệ thống camera, khóa báo động chống trộm; xây dựng tường rào kiên cố bảo vệ di tích.
Theo Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/413781/bao-quan-tai-san-hien-vat-tai-cac-co-so-tho-tu-con-nhieu-lo-hong.html