16
/
152554
Vụ án oan 38 năm trước: Những ai gây tội cho ông Trịnh Dân Cường?
vu-an-oan-38-nam-truoc-nhung-ai-gay-toi-cho-ong-trinh-dan-cuong
news

Vụ án oan 38 năm trước: Những ai gây tội cho ông Trịnh Dân Cường?

Thứ 7, 26/08/2023 | 09:21:32
2,098 lượt xem

Năm 1985, ông Trịnh Dân Cường bị buộc tội trộm tài sản của hàng xóm, bị giam gần 2 năm. Năm 1989, ông Nguyễn Hữu Đô (lúc bấy giờ là Đội trưởng hình sự Công an quận 6) cùng một số người khác bị xét xử.

Vụ án oan 38 năm trước: Những ai gây tội cho ông Trịnh Dân Cường?

Cuối tháng 2/1985, ông Trịnh Dân Cường (SN 1956, ngụ quận 6, TPHCM) cùng 2 người thân bị buộc tội lấy trộm vàng, tiền của người phụ nữ hàng xóm. Ông Cường bị bắt giam gần 2 năm, dù bản thân không thừa nhận hành vi phạm tội.

Người ký lệnh bắt giam ông Cường khi đó là ông Trần Hữu Đô (Đội trưởng hình sự Công an quận 6), mặc cho cấp dưới khẳng định đó là hiện trường giả. 

Quá trình điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội, ông Cường được trả tự do vào đầu tháng 12/1986.

Năm 1989, ông Nguyễn Hữu Đô cùng một số người khác bị xử lý về những sai phạm trong việc bắt giữ, giam người không đúng quy định pháp luật. Ông Trịnh Dân Cường là bị hại trong vụ án, tuy nhiên lại không được triệu tập tới phiên tòa.

Vụ án oan 38 năm trước: Những ai gây tội cho ông Trịnh Dân Cường? - 1

Ông Trịnh Dân Cường nói về chuỗi ngày bị oan khuất (Ảnh: X.D.).

Một người chết trong trại giam

Theo hồ sơ vụ án, khuya 27/2/1985, bà Nguyễn Thị Kim Cúc ở đường Bãi Sậy, phường 4, quận 6 (TPHCM) trình báo về bị mất trộm 5,5 lượng vàng, 118.000 đồng và một số nữ trang. Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận 6 phối hợp với công an phường xuống ngay hiện trường xem xét.

Bước đầu, có nghi vấn nên nhà chức trách tạm giữ 3 người con của bà Đồng Thị Ba (mẹ vợ ông Cường) là Hà Văn Được, Trần Đức Ẩn, Đồng Văn Út, họ cùng ở kế bên nhà bà Cúc. Ngày hôm sau, ông Trần Văn Răng (Đội phó hình sự Công an quận 6) nhận định hiện trường xảy ra ở nhà bà Cúc là hiện trường giả và trả tự do cho 3 người trên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Đô không đồng ý, cho rằng mái tôn nhà bà Ba (sát vách nhà bà Cúc) có lỗ hổng vừa một người chui qua nên báo cáo cấp trên ký lệnh bắt khẩn cấp, khám xét những người trong nhà bà Ba.

Lần này, ông Trịnh Dân Cường cùng ông Được (anh vợ) và Ẩn (anh cột chèo) bị bắt, còn Đồng Văn Út (em vợ công Cường) được thả.

Vụ án oan 38 năm trước: Những ai gây tội cho ông Trịnh Dân Cường? - 2

Ông Trịnh Dân Cường bền bỉ khiếu nại, kiện gần 35 năm (Ảnh: Hoài Thanh).

Quá trình điều tra, cả ba anh em ông Cường đều một mực kêu oan. Đồng thời, nhà chức trách cũng không thu thập được bất cứ chứng cứ nào chứng minh hành vi phạm tội của 3 người này.

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra chỉ thu được dấu vân tay của bà Cúc nhưng ông Đô lại viết kết luận điều tra với nội dung "3 anh em ông Cường đã thực hiện hành vi phạm tội" và "là những người có nhiều tiền án, tiền sự".

Lúc này, ông Đô báo cáo miệng với ông Võ Tấn Sĩ (Phó Công an quận 6) đề nghị chuyển vụ án lên Phòng cảnh sát hình sự Công an TPHCM với lý do "các nghi can không chịu khai nhận hành vi phạm tội".

Trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TPHCM lúc đó là Nguyễn Kiên Trung đã ký lệnh tạm giữ và chuyển 3 anh em ông Cường qua trại tạm giam Chí Hòa, đồng thời điều thêm hai cán bộ hỗ trợ Nguyễn Hữu Đô lấy cung.

Ngày 8/4/1985, Đô cùng 2 cán bộ công an trực tiếp lấy lời khai ông Được. Người đàn ông này nhận tội Trộm cắp tài sản vì bị bức cung. Tối hôm đó, ông Được thắt cổ tự tử trong trại giam.

Che giấu việc bắt giữ, giam người trái luật

Nhà chức trách xác định, để che giấu việc bắt, giam giữ người trái pháp luật, Nguyễn Hữu Đô đã hợp thực hóa hồ sơ bằng cách chỉ đạo các cán bộ trong đội viết các quyết định, lệnh tạm giam và khởi tố vụ án, khởi tố bị can lùi lại một tháng trước ngày ông Được chết (vào ngày 9/3/1985).

Ông Đô sau đó chuyển các lệnh và quyết định này sang VKS và được Nguyễn Tấn Đồng, Viện trưởng VKSND quận 6, ký phê chuẩn.

Sau cái chết của con trai, bà Ba đã làm nhiều đơn thư khiếu nại, kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. VKSND quận 6 sau đó kết luận không đủ căn cứ buộc tội ông Ẩn và Cường nên trả tự do từ ngày 23/8/1985. Tuy nhiên, gần một tháng sau, Công an quận 6 mới thả ông Ẩn về, còn ông Cường bị đưa đi trại cải tạo Tống Lê Chân ở Bình Dương.

Gần một năm khi được tha về, ông Ẩn qua đời vì bệnh. Bà Ba tiếp tục làm đơn khiếu nại về việc các con mình bị bắt oan và tố cáo cán bộ điều tra bức cung, nhục hình khiến con trai và con rể chết oan. Trong đơn, bà nêu còn một người con rể (tức ông Cường) vẫn chưa rõ bị giam ở đâu.

Vụ án oan 38 năm trước: Những ai gây tội cho ông Trịnh Dân Cường? - 3

Quyết định trả tự do cho ông Cường (Ảnh: X.D.).

Thanh tra TPHCM vào cuộc, phát hiện ông Cường bị đưa đi cải tạo nên yêu cầu trả tự do cho ông. Đến ngày 3/12/1986, Công an TPHCM mới chính thức ra quyết định trả tự do cho ông Cường với lý do "không liên quan đến vụ trộm vàng", sau hơn 21 tháng bị giam.

Quận ủy và Công an quận 6 lúc bấy giờ đã họp đánh giá sai phạm của từng cán bộ có liên quan. Nguyễn Hữu Đô và 3 người khác sau đó bị truy tố về các tội Bắt, giam, giữ người trái pháp luật theo khoản 3 Điều 119 Bộ luật Hình sự và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vi phạm nghiêm trọng, mức án "có phần nhẹ"

Ngày 14/11/1989, TAND TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt nguyên Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an quận 6 Nguyễn Hữu Đô 2 năm tù về tội Bắt người trái pháp luật, 1 năm tù về tội Giữ người trái pháp luật, 2 năm tù về tội Giam người trái pháp luật. Tổng hợp hình phạt, Nguyễn Hữu Đô phải chấp hành 5 năm tù.

Ông Võ Tấn Sĩ, Nguyễn Kiên Trung bị cảnh cáo cùng về tội Bắt, giam người trái pháp luật; Nguyễn Tấn Đồng bị cảnh cáo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau bản án sơ thẩm, ông Đô cho rằng chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, tòa phạt tù một mình bị cáo với mức án nặng là chưa công bằng nên ông kháng cáo xin tòa cấp trên xem xét lại.

Ngày 21/3/1990, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã bác đơn kháng cáo của Đô, giữ nguyên mức án 5 năm tù về 3 tội danh.

Theo HĐXX cấp phúc thẩm căn cứ vào lời khai của các bị cáo, bị hại và các nhân chứng có cơ sở xác định các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội như cáo buộc, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai. Quá trình điều tra và xét xử các bị cáo đều thừa nhận thực hiện hành vi sai phạm trong việc bắt, giam giữ các bị hại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây ra cái chết cho ông Hồ Văn Được tại buồng giam Chí Hòa và các hậu quả khác.

Nghiêm trọng hơn nữa là VKSND quận 6 đã quyết định trả tự do cho ông Trần Đức Ẩn từ ngày 23/8/1985, nhưng mãi đến 19/9/1985 công an quận mới tha.

Vụ án oan 38 năm trước: Những ai gây tội cho ông Trịnh Dân Cường? - 4

Ông Trịnh Dân Cường bên tập hồ sơ vụ án (Ảnh: Hoài Thanh).

Bản án xác định, ông Ẩn đã chết vì bệnh sau đó không đầy một năm. Cái chết của ông Ẩn tuy không xác định được nguyên nhân nào là chính, song đã gây dư luận phản ứng trong quần chúng địa phương, cho rằng do ảnh hưởng của những ngày bị giam giữ.

"Hành vi của bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do thân thể và tự do dân chủ của công dân được pháp luật quy định. Hậu quả làm tang tóc và tan nát một gia đình, gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu đến uy tín của các ngành...", bản án nhận định.

Bên cạnh đó, tòa xác định ông Đô là người có vai trò xuyên suốt, chỉ đạo, cố tình làm sai nguyên tắc của ngành. Do đó, bản án đã tuyên với bị cáo là thỏa đáng. Theo tòa phúc thẩm, mức hình phạt của điều khoản truy tố bị cáo là từ 3 đến 10 năm tù, so với 3 bị cáo trong vụ án thì "không cân xứng và có phần nhẹ".

"Lẽ ra phải xử nghiêm khắc hơn mới đủ tác dụng giáo dục phòng ngừa. Tuy nhiên, do không có kháng cáo, kháng nghị. Việc điều chỉnh hình phạt đối với các bị cáo không thuộc thẩm quyền của tòa phúc thẩm", bản án phúc thẩm nêu.

Vụ án oan 38 năm trước: Những ai gây tội cho ông Trịnh Dân Cường? - 5

Ông Cường cùng người đại diện đi "gõ cửa" tìm công lý (Ảnh: X.D.).

Vẫn chưa được đình chỉ bị can, xin lỗi và bồi thương oan sai

Từ ngày được trả tự do, 35 qua, ông Cường đi "gõ cửa" nhiều cơ quan tố tụng yêu cầu phục hồi danh dự cho mình nhưng không được giải quyết.

Đầu năm 2023, ông Cường tiếp tục khởi kiện VKSND quận 6 ra tòa yêu cầu phục hồi danh dự, xin lỗi công khai, bồi thường oan sai và được TAND quận 6 thụ lý.

Ngày 1/8, TAND quận 6 bất ngờ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường giữa nguyên đơn là ông Trịnh Dân Cường và bị đơn là VKSND quận 6. Ông Cường tiếp tục kháng cáo quyết định trên.

Lý do đình chỉ được tòa đưa ra là những tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện của ông Cường chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017.

Không đồng ý với phán quyết trên, ông Cường kháng cáo, yêu cầu tòa án cấp trên hủy bỏ quyết định của TAND quận 6.

Hiện TAND quận 6 đã nhận được đơn kháng cáo của ông Cường. Theo quy định pháp luật hiện hành, tòa quận 6 phải chuyển hồ sơ lên TAND TPHCM để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Theo quy định tại Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày TAND TPHCM thụ lý vụ án thì phải đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tòa phải mở phiên tòa phúc thẩm, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này không quá 2 tháng.

Theo Xuân Duy - Hoài Thanh/ Dân trí

https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-an-oan-38-nam-truoc-nhung-ai-gay-toi-cho-ong-trinh-dan-cuong-20230825083616578.htm

  • Từ khóa

Khởi tố "ông trùm" điều hành hàng trăm gái mại dâm trên cả nước

Điều hành hàng trăm gái mại dâm để thu lời bất chính khoảng 3 tỉ đồng, Hoàng Duy Hưng cùng 14 bị can khác bị công an khởi tố
15:28 - 09/05/2024
339 lượt xem

Chủ tịch UBND nhiều địa phương chưa nghiêm túc thi hành án hành chính

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ không ít bản án hành chính người phải thi hành án là UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh nhưng nhiều năm chưa thi hành...
15:15 - 09/05/2024
328 lượt xem

Phú Quốc: 3 cựu cán bộ bảo vệ rừng đầu thú, nộp lại tiền nhận hối lộ

3 cựu cán bộ bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc đã ra đầu thú, giao nộp số tiền đã nhận hối lộ liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh...
14:19 - 09/05/2024
318 lượt xem

Bắt vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì làm lộ bí mật Nhà nước

Ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bị cơ quan an ninh điều tra bắt tạm giam với cáo buộc cố ý làm lộ bí mật...
10:15 - 09/05/2024
447 lượt xem

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đáp ứng nhu cầu bảo vệ, sử dụng dữ liệu, ngăn chặn xâm phạm

Ngày 8/5, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
09:55 - 09/05/2024
446 lượt xem