Theo cơ quan điều tra, do có sự buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế dẫn đến Việt Á thông đồng, móc ngoặc với lãnh đạo hai bộ này.
Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh bị đề nghị truy tố trong vụ Việt Á - Ảnh: NAM TRẦN
Tại kết luận điều tra vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm, cơ quan điều tra đã phân tích một số nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và đưa ra 7 kiến nghị.
Buông lỏng giám sát dẫn đến Việt Á móc ngoặc với lãnh đạo của hai bộ
Cơ quan điều tra xác định để Việt Á có thể được tham gia nghiên cứu đề tài sản xuất kit xét nghiệm và chiếm đoạt, có sự thông đồng, giúp đỡ, tạo điều kiện của một số quan chức của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cơ quan điều tra cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ đã buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về kit xét nghiệm. Đặc biệt đây là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia nhưng Việt Á lại có thể dễ dàng tham gia và chiếm đoạt.
Theo kết luận, để xảy ra việc trên là do Bộ Khoa học và Công nghệ đã để sai phạm xảy ra tại nhiều khâu như phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, đơn vị phối hợp; kinh phí, theo dõi sử dụng và thanh toán kinh phí; quản lý thực hiện đề tài, xử lý kết quả thực hiện đề tài...
Cùng với đó, nội dung thuyết minh đề tài không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; không có phương pháp phối hợp, phương pháp chuyển giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ…
Về phía Bộ Y tế, theo cơ quan điều tra, bộ này cũng thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân trong hiệp thương giá, thời hạn ban hành kết luận kiểm tra giá.
"Do việc buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát tại Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế dẫn đến Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) lợi dụng, móc ngoặc với lãnh đạo, cán bộ hai bộ", kết luận nêu.
Sự móc ngoặc trên đã giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, sử dụng kết quả nghiên cứu lập hồ sở gửi Bộ Y tế và được cấp số đăng ký lưu hành. Việt Á đã biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu của Nhà nước thành tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp rồi nâng khống giá bán thu lời bất chính.
Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt tại cơ quan điều tra - Ảnh: GIANG LONG
Theo kết luận, Công ty Việt Á nâng khống cơ cấu đơn giá kit xét nghiệm nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/xét nghiệm. Mức giá này theo cơ quan điều tra là không có căn cứ.
Thậm chí khi phát hiện công ty thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành, Bộ Y tế không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý.
Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước, tổ chức, cá nhân, kết luận nêu.
Tại các địa phương, để xảy ra sai phạm trong quá trình Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm, theo cơ quan điều tra là do chưa kịp thời phân bố dự toán ngân sách thực hiện, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về đấu thầu, mua sắm thiết bị còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Kiến nghị kiểm soát quyền lực người đứng đầu
Từ những nguyên nhân phân tích trên, cơ quan điều tra đưa ra 7 kiến nghị.
Thứ nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quản lý sinh phẩm y tế đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Thứ hai, Bộ Khoa học và Công nghệ cần rà soát cơ cấu tổ chức và các văn bản pháp luật liên quan, chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có cơ quan chuyên trách quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Đồng thời bộ này cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ…
Thứ ba, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp quản lý giá đối với các vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.
Thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, địch họa... đặc biệt là đối với các gói thầu có giá trị lớn, chưa được phân bổ dự toán ngân sách thực hiện.
Thứ năm, UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, cơ sở y tế công lập trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Cùng với đó là đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mua sắm, đấu thầu cho cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm.
Thứ sáu, Bộ Tài chính xem xét xử lý hành chính đối với các công ty thẩm định giá có sai phạm (đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...).
Thứ bảy, theo cơ quan điều tra, ngoài các bị can đã bị khởi tố và đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau. Hành vi của một số người chưa cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
Căn cứ tính chất, mức độ hành vi của mỗi người, cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính quyền.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/bo-cong-an-kien-nghi-kiem-soat-quyen-luc-nguoi-dung-dau-tai-2-bo-tu-vu-viet-a-20230820144558853.htm