Hàng nghìn nhóm Zalo đã tạo sự kết nối giữa người dân và lực lượng công an. Từ những nhóm mạng xã hội này đã góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm.
Tương tác mọi lúc, mọi nơi
“Nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường tại khu chợ tạm phường Ngô Quyền gây ra tình trạng mất an toàn giao thông”. Đó là một trong những dòng tin nhắn phản ánh của người dân trên địa bàn phường gửi về cho Công an phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) qua trang Zalo OA. Sau khi tiếp nhận kiến của người dân, lãnh đạo Công an phường chỉ đạo cán bộ, cảnh sát khu vực phối hợp với Đội Trật tự đô thị phường nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm; đề nghị các hộ ký cam kết không tái phạm.
Cán bộ Công an phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) hướng dẫn người dân vào trang Zalo OA của đơn vị để gửi tin phản ánh.
Trung tá Trần Văn Công, Trưởng Công an phường Ngô Quyền cho biết: “Hiện trang Zalo OA của Công an phường hoạt động 24/24 giờ, nhận phản ánh của người dân về tình hình an ninh trật tự (ANTT); đăng tải bài cảnh báo về tội phạm lừa đảo và phòng cháy để người dân nắm được". Ngoài trang này, Công an phường còn duy trì các nhóm Zalo tương tác với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhân dân, hộ kinh doanh như: Công an với tổ trưởng các tổ dân phố và nhân dân, công an với quản lý nhà trọ, khách đến trọ; công an với chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT.
Được biết, việc ứng dụng Zalo bảo đảm ANTT khởi nguồn từ Công an huyện Lục Ngạn vào giữa năm 2019. Mô hình trở thành một kênh thông tin quan trọng kết nối người dân với lực lượng công an phục vụ công tác bảo đảm ANTT và thực hiện tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính. Từ đó đến nay, Công an huyện Lục Ngạn đã đăng tải hàng trăm tin, bài với hàng triệu lượt tương tác, bình luận, chia sẻ.
Toàn huyện đã thành lập hơn 80 nhóm Zalo công an các xã, thị trấn với nhân dân, phục vụ các mặt công tác của lực lượng công an. Các nhóm Zalo này đã phát huy hiệu quả. Nhiều thông tin, vấn đề gây mất ANTT được lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo nắm bắt, xác minh, giải quyết ngay. Mới nhất như Công an huyện đã xác minh, làm rõ vụ trộm cắp tài sản xảy ra tại cửa hàng Chợ ô tô Lục Ngạn ở thôn Hựu, xã Trù Hựu từ hình ảnh, video mà người dân cung cấp.
Ông Đỗ Quốc Hùng, thôn Lường, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) nói: “Nhờ nhóm Zalo OA Công an huyện, tôi nắm bắt được nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi. Từ đó tôi có tinh thần cảnh giác hơn, tránh bị các đối tượng lừa đảo, dọa dẫm”.
Dễ dàng tố giác tội phạm, góp phần giữ ANTT
Sau đánh giá hiệu quả mô hình "nhóm Zalo" giữa công an và nhân dân tại huyện Lục Ngạn và TP Bắc Giang, tháng 5/2021, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng mô hình “Nhóm Zalo giữa Trưởng Công an cấp xã với cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa bàn phục vụ công tác đảm bảo ANTT”. Theo đó, công an cấp xã toàn tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp xây dựng mô hình “Nhóm Zalo giữa trưởng công an cấp xã với cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa bàn phục vụ công tác đảm bảo ANTT”.
Theo Thiếu tá Giáp Văn Khương, Phó trưởng Phòng Tham mưu (Công an tỉnh), từ khi xây dựng mô hình đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đã xây dựng, duy trì hoạt động của mô hình nhóm Zalo chính với tổng số hơn 13,7 nghìn thành viên. Đồng thời, lập 164 nhóm Zalo bổ trợ nhằm tăng cường công tác nắm tình hình ANTT trên địa bàn.
Qua mô hình, ban quản trị cung cấp hơn 29,6 nghìn tin đến các thành viên, trong đó có hàng chục nghìn tin về phòng ngừa tội phạm, phòng, chống cháy, nổ, an toàn giao thông và hướng dẫn giải quyết các thủ tục hành chính thuộc chức năng. Thiết thực nhất như cấp, quản lý căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT và tình hình cháy nổ. Song song với đó, thành viên các nhóm Zalo trao đổi hơn 2,8 nghìn tin nhắn, giúp lực lượng công an điều tra, khám phá hơn 400 vụ, việc, tạm giữ hàng trăm đối tượng vi phạm pháp luật.
Đến nay, mô hình đã trở thành kênh thông tin quan trọng, kết nối người dân với lực lượng công an phục vụ công tác bảo đảm ANTT và thực hiện các thủ tục hành chính. Việc thành lập và duy trì các nhóm Zalo này như “cánh tay nối dài” của công an tại cơ sở, mang lại hiệu quả thiết thực; tạo kênh trao đổi thông tin chính thống giữa lực lượng công an với nhân dân, giảm thiểu tác hại của thông tin “rác”, “thông tin không chính thống”, “tin giả" và thuận tiện cho nhân dân tham gia tố giác tội phạm.
Công dân gửi thông tin đính kèm hình ảnh, clip phản ánh thực tế rất thuyết phục, tương tác nhiều chiều ở mọi lúc, mọi nơi. Độ bảo mật cao nên người dân an tâm khi tham gia tố giác tội phạm. Ngược lại, các thông tin do lực lượng công an cung cấp giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm cũng như giúp lực lượng công an phục vụ nhân dân tốt hơn.
Thượng tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, khi triển khai mô hình, kinh nghiệm của công an cơ sở là phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình. Tuyên truyền, vận động các thành viên tham gia mô hình và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ về mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Căn cứ vào đặc điểm địa bàn, tình hình ANTT, sở trường, năng lực của các thành viên để phân công nhiệm vụ phù hợp tạo động lực, thúc đẩy tinh thần tự giác. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động. Kịp thời phát hiện biểu dương, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cũng như trong triển khai, thực hiện mô hình.
Theo Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/403400/lap-nhom-zalo-an-ninh-cau-noi-nguoi-dan-voi-cong-an.html