Trong phần luận tội Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo trong vụ án Alibaba, đại diện viện kiểm sát cho rằng bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã lừa đảo khách hàng dựa trên bình phong là kinh doanh bất động sản.
Đại diện viện kiểm sát luận tội đối với các bị cáo vụ Alibaba - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bản luận tội của viện kiểm sát khẳng định Nguyễn Thái Luyện với vai trò là chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba là người chỉ đạo xuyên suốt Công ty Alibaba và các nhân viên trực thuộc, từ việc đi mua đất nông nghiệp đến thực hiện thiết kế sơ đồ và quyết định giá cả hàng hóa để bán cho khách hàng, sử dụng tiền của khách hàng.
Bị cáo Luyện là người am hiểu pháp luật về kinh doanh bất động sản
Tuy nhiên, tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra, Luyện cho rằng bị cáo không vi phạm pháp luật và việc viện kiểm sát truy tố, xét xử các bị cáo là gây oan sai cho bị cáo. Luyện cho rằng các dự án là có thật và Luyện không lừa dối khách hàng, và Luyện đã áp dụng pháp luật đúng quy định.
Viện kiểm sát cho rằng Luyện là người am hiểu pháp luật hơn các bị cáo khác và có kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản, biết các quy định pháp luật về bất động sản đối với việc phân lô tách thửa và lập dự án.
Đồng thời, viện kiểm sát khẳng định việc tự lập dự án của Công ty Alibaba và tự vẽ, tách thửa khi chưa từng xin phép, chưa được cho phép của cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật. Bởi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý và chỉ Nhà nước mới có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tách thửa nếu phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Tại tòa, bị cáo Luyện khẳng định dự án là dự định kế hoạch và bị cáo không có kế hoạch chiếm đoạt tiền của ai. Về quan điểm này của Nguyễn Thái Luyện, viện kiểm sát cho rằng tính đến ngày bị khởi tố vụ án, chưa pháp nhân nào trong 22 pháp nhân do Luyện thành lập thực hiện các nghĩa vụ với pháp luật.
Tuy nhiên, Luyện nói các doanh nghiệp chưa thực hiện vì chưa phát sinh chi phí, nhưng thực tế nhiều dự án đã được đổi tên thành dự án khác để bán cho khách hàng mới cũng vẫn chưa có dự án nào thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ví dụ dự án Long Phước 1 khi không bán được đổi thành dự án khác. Chính bị cáo cũng xác nhận rằng việc các dự án mới được thành lập và tái thành lập bởi các dự án cũ còn tồn đọng. Do đó, bị cáo khẳng định dự án chưa phát sinh chi phí là không có căn cứ.
Luyện khẳng định không chiếm đoạt tiền và Luyện dư tiền trả cho khách hàng, nhưng tại phiên tòa, nhiều khách hàng khẳng định có nhiều hợp đồng đã kết thúc nhưng không được lấy tiền. Hoặc nhiều khách hàng hỏi nhân viên bán hàng của Alibaba là sao đất chưa phân lô thì các nhân viên này trả lời là đang triển khai.
Nhiều bị cáo còn trẻ bị Luyện chỉ đạo phạm tội
Thực tế trong vụ án này, nhiều khách hàng chưa có nhà cửa nên đã gom góp mua đất làm nhà; vì tin tưởng vào các lời quảng cáo, hứa hẹn của nhân viên Công ty Alibaba mà mua dự án để xây nhà ở. Trong số nhiều khách hàng này, nhiều người do thiếu hiểu biết về pháp luật đất đai nên đã bị Công ty Alibaba lừa. Viện kiểm sát khẳng định tất cả các dự án của Alibaba đều không thể thực hiện được.
Các bị cáo vụ án Alibaba tại phiên tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hơn nữa, hồ sơ điều tra vụ án cũng thể hiện: khi tiến hành san lấp mặt bằng, Công ty Alibaba bị chính quyền huyện Long Thành (Đồng Nai) xử phạt vi phạm hành chính và buộc người có quyền sử dụng đất khôi phục tình trạng ban đầu, thế nhưng các bị cáo tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện. Do đó, việc Luyện khẳng định khi làm mà không cơ quan nào có ý kiến là chối bỏ trách nhiệm của mình.
Ngày 9-12, Luyện trả lời HĐXX rằng tiền mua đất là do tích lũy và tiền cha mẹ cho, lời khai này mâu thuẫn với lời khai của vợ bị cáo (Võ Thị Thanh Mai), Mai khẳng định toàn bộ tiền của Alibaba là tiền thu của khách hàng.
"Trong vụ án này, điều đáng tiếc là rất nhiều bị cáo còn rất trẻ, trong đó có nhiều bị cáo có tuổi đời từ 20 - 30 tuổi, rất nhiều bị hại là người có ít tiền hoặc có hoàn cảnh rất khó khăn", viện kiểm sát nêu.
Viện kiểm sát khẳng định Luyện đã đưa nhiều người trẻ vi phạm pháp luật, khiến nhiều người dân nghèo mất tiền bằng việc lừa đảo dựa trên bình phong là kinh doanh bất động sản để huy động vốn trái pháp luật.
Từ các căn cứ quy định của pháp luật và diễn biến tại phiên tòa, viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện, mức án 30 năm cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện).
Thiệt hại 2.462 tỉ đồng Viện kiểm sát cũng đề nghị mức án từ 5 - 20 năm đối với các bị cáo còn lại. Mức án đề nghị cụ thể như sau: Tội lừa đảo chiế đoạt tài sản: Nguyễn Thái Luyện: chung thân Trương Thị Hồng Ngọc, Bùi Minh Đức, Trần Huy Phúc, Nguyễn Trần Phúc Nguyên, Trịnh Minh Pháp, Trang Chí Linh, Huỳnh Thị Ngọc Như, Nguyễn Lê Hoàng Lan, Phan Ngọc Nguyên: 20 năm tù. Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Văn Kiên, Vi Thị Hiến, Võ Văn Trần Quang, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh mức án từ 16 đến 18 năm tù. Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Thị Vân Anh: 15 đến 16 năm tù Nguyễn Trung Trường: 14 đến 15 năm tù Đào Thị Thanh Lợi: 13 đến 14 năm tù. Nguyễn Quang Sơn: 12 đến 13 năm tù. Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực 30 năm tù cho 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền Huỳnh Thị Kim Thắng: 5 đến 6 năm tội rửa tiền. Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường cho 4.550 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt là 2.462 tỉ đồng. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/vu-an-alibaba-de-nghi-nguyen-thai-luyen-chung-than-20221219104754264.htm