Phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo trong vụ án Alibaba phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền vẫn đang tiếp tục với phần làm việc với hàng ngàn người bị hại.
Bị hại (bên trái) cung cấp hồ sơ cho tòa xử vụ án Alibaba - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Mặc dù cáo trạng của viện kiểm sát đã xác định các hợp đồng mua bán đất nền giữa Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đều không đủ điều kiện để phân lô tách thửa, nhưng nhiều bị hại ra tòa cứ nằng nặc đòi được trả đất, đất nông nghiệp cũng lấy thay cho việc đền bù thiệt hại bằng tiền.
Đòi đất, không đòi tiền
Trong số hàng ngàn người bị hại đã đến làm việc với TAND TP.HCM để yêu cầu HĐXX vụ án tuyên buộc các bị cáo bồi thường lại số tiền đã chiếm đoạt, có người chỉ xin phần gốc, có người yêu cầu tính lãi. Thế nhưng, cũng có không ít người yêu cầu trả đất như trong thỏa thuận của hợp đồng và xin bãi nại cho Nguyễn Thái Luyện.
Trong đó có một số người ủy quyền cho người đại diện yêu cầu tòa tuyên trả lại đất cho mình. Đặc biệt, có người có giao dịch đến năm hợp đồng mua dự án của Alibaba với tổng diện tích là 500m2 (đất thổ cư). Khi được tòa hỏi yêu cầu gì thì người này trả lời chỉ xin trả đất, đất nông nghiệp cũng lấy. Đất đủ 500m2 thì tách thửa cho người này đứng tên riêng, nếu không thể tách thửa thì cho đứng tên chung đồng sở hữu với những người khác.
Mặc dù kiểm sát viên tại phiên tòa nhiều lần xác nhận với bị hại về đối tượng của hợp đồng mua bán là đất thổ cư nhưng thực tế đất mà Nguyễn Thái Luyện có là đất nông nghiệp. Đất này chưa được Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa được tách thửa theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số người vẫn tiếp tục yêu cầu tòa xác nhận nguyện vọng là lấy đất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thẩm phán TAND TP.HCM nêu ý kiến rằng trong vụ án hình sự, khi bị hại bị chiếm đoạt thứ gì thì yêu cầu tòa tuyên các bị cáo trả lại thứ ấy. Người bị thiệt hại về tiền thì yêu cầu trả tiền, bị thiệt hại về tài sản thì yêu cầu trả tài sản và thậm chí nếu tài sản khác không có thì cũng tính giá trị ra tiền để yêu cầu bị cáo bồi thường.
Vụ án Alibaba có hàng ngàn người bị hại và hàng ngàn bản hợp đồng khác nhau, trong đó chủ yếu là hợp đồng mua đất thổ cư 100% nhưng thực tế đất của các dự án mà Alibaba bán đều chỉ là đất nông nghiệp. Do đó đất mua bán trên hợp đồng này không đúng với thực tế, cũng không có thực. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng để giao đất là không thể. Hơn nữa đây là vụ án hình sự, các cơ quan tố tụng đã xác định Luyện và đồng phạm dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của khách hàng nên việc yêu cầu giao lại đất là khó khả thi.
Ngoài ra, ví dụ trong điều kiện đất nông nghiệp được tách thửa phù hợp với quy định của địa phương nhưng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp không còn thì việc tách thửa cũng không thể thực hiện được. "Trong vụ án này, các tài sản đã được kê biên trong đó có những thửa đất thì sẽ được thi hành án để thực hiện việc trả tiền cho các bị hại", vị này nói.
Các bị hại làm thủ tục trước khi dự phiên tòa xử vụ án Alibaba - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Muốn lấy được tiền, phải chờ bản án có hiệu lực
Trong số nhiều bị hại đến TAND TP.HCM để làm việc, có nhiều người hỏi các thư ký hoặc những người tham gia phiên tòa khác là đến bao giờ mới được trả tiền. Bởi những người này cho biết kể từ khi chuyển tiền cho Alibaba đến nay đã ba năm, gia đình cũng đang rất cần thu lại số tiền này để lo việc khác.
Nói thêm về vấn đề này, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (bảo vệ cho một bị hại) khẳng định thân chủ của bà đang yêu cầu được nhận lại toàn bộ số tiền đã chuyển cho Alibaba. Bà cũng phân tích để thân chủ hiểu việc bị lừa như thế nào. Còn đối với vấn đề đến khi nào mới lấy được tiền thì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào quy trình xét xử.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên nhiều thửa đất, xe cộ và tiền mặt của các bị cáo và các pháp nhân có liên quan. Do đó, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và các bị hại có yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện việc trả tiền cho các bị hại. Đối với những bị hại không có yêu cầu thì tòa án sẽ không xem xét.
Riêng với những người chỉ yêu cầu trả đất chứ không nhận tiền, theo luật sư Thảo thì rất khó khả thi. "Tòa không thể tự tách thửa đất để giao cho bị hại", bà Thảo nói.
Đồ họa: N.KH
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/vu-an-alibaba-rac-roi-viec-den-bu-2022121423125274.htm