Nhiều lời khai của các bị can trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thể hiện bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty AIC, là người phụ nữ rất có 'quyền lực'.
Cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái (phải) có quan hệ mật thiết với bà Nhàn - Ảnh: HÀ MI
Ông Trần Đình Thành - cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - khai vào năm 2010, khi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào dự án, bà Bồ Ngọc Thu - cựu giám đốc Sở KH&ĐT - báo cáo ông Thành về khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho phần thiết bị bổ sung. Ông Thành điện thoại bà Nhàn đề nghị hỗ trợ giúp Đồng Nai xin vốn trung ương và được bà Nhàn đồng ý.
Sau đó, việc xin vốn diễn ra thuận lợi. Bà Thu hiểu bà Nhàn đã tác động đến cơ quan trung ương để hỗ trợ tỉnh Đồng Nai trong việc tăng vốn cho dự án. Qua đó, Công ty AIC được tỉnh tạo điều kiện trúng thầu cung cấp phần trang thiết bị cho dự án. Nhưng cụ thể bà Nhàn và lãnh đạo tỉnh tác động như thế nào lên trung ương để việc xin vốn diễn ra thuận lợi thì bà Thu không biết.
Tương tự, lời khai của ông Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng hé lộ "quyền lực ngầm" của bà Nhàn. Ông Thái khai năm 2009, thông qua giới thiệu của ông Thành, ông Thái đã được bà Nhàn đặt vấn đề tạo điều kiện cho AIC tham gia và trúng thầu các gói thầu dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Năm 2010, ông Thái ký quyết định bổ sung chi phí thiết bị y tế cho dự án với số tiền 754 tỉ đồng, mục đích là để bà Nhàn hỗ trợ tỉnh xin vốn ngân sách trung ương nên ông Thái biết phải tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.
Trong khi đó, ông Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, khai biết bà Nhàn từ đầu năm 2010 thông qua giới thiệu của ông Thành. Công ty AIC đã trúng một gói thầu cung cấp máy can thiệp tim mạch trị giá trên 10 tỉ đồng tại Bệnh viện Đồng Nai cũ. Ông Vũ biết bà Nhàn có mối quan hệ "lớn", thường xuyên giao tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Tháng 6-2010, khi bệnh viện chuẩn bị bổ sung vốn đầu tư trang thiết bị y tế vào dự án, ông Thành đã điện thoại ông Vũ đến ăn trưa và đề nghị tạo điều kiện giúp AIC trúng thầu các gói thầu trang thiết bị y tế tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai do AIC là công ty lớn, có mối quan hệ rộng, có công trong việc xin vốn phần thiết bị y tế cho bệnh viện.
Bị can bỏ trốn, xử được không? Trước khi khởi tố vụ án, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người khác đã bỏ trốn. Bộ Công an đã phát đi thông báo, đề nghị các bị can này ra đầu thú để được hưởng khoan hồng. Ngày 10-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Nhàn và 35 bị can khác về các tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Trương Việt Toàn, nguyên phó chánh án TAND Hà Nội, cho rằng việc viện kiểm sát truy tố và tòa vẫn tuyên án với người bỏ trốn đã từng xảy ra và không sai tố tụng. Bị can bỏ trốn thì quá trình điều tra, xét xử chỉ thiếu lời khai của họ chứ không làm thay đổi bản chất vụ án. Cơ quan tố tụng sẽ dựa vào toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các bị can hoặc người liên quan khác để làm căn cứ truy tố, xét xử. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/loi-khai-he-lo-ba-nhan-aic-co-quyen-luc-ngam-20221115075002789.htm