Liên quan đến dự án Việt Hòa - Kenmark (ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), hàng loạt cựu lãnh đạo, cán bộ của ngân hàng BIDV bị truy tố vì để "mất trắng" 360 tỷ đồng.
Ngày 1/11, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can ra trước Tòa án nhân dân TP Hà Nội để xét xử về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
7 bị can gồm: Đỗ Văn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm xử lý nợ Hội sở chính BIDV; Lưu Thị Bích Thủy - nguyên Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Thành Đô; Phạm Anh Tài - nguyên Trưởng phòng tín dụng BIDV Thành Đô; Nguyễn Văn Hà - Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp 3 BIDV Thành Đô; Lại Minh Ngọc - Phó Giám đốc (nguyên Trưởng phòng Thẩm định và quản lý tín dụng) BIDV Chi nhánh Thành Đô; Lê Vũ Thanh - nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh; Đỗ Xuân Khoan - Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh.
Khoản nợ 360 tỷ đồng không còn khả năng thu hồi
Theo cáo trạng, trong thời gian từ 4/12/2007 đến 18/5/2010, Tổ thẩm định dự án Việt Hòa - Kenmark (ở phường Tứ Minh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) gồm các cá nhân: Đỗ Quốc Hùng, Lưu Thị Bích Thủy, Phạm Anh Tài, Nguyễn Văn Hà, Lại Minh Ngọc, Lê Vũ Thanh, Đỗ Xuân Khoan,… thực hiện thẩm định hồ sơ, đánh giá không đúng mức về các yếu tố rủi ro trong hồ sơ đề nghị vay vốn của Công ty Kenmark.
Tổ thẩm định dự án đã đề xuất cho Công ty Kenmark vay vốn, trong khi hồ sơ của công ty này không đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Xây dựng; dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hiệu quả, khả thi, không phù hợp với quy định của pháp luật; năng lực tài chính không đảm bảo khả năng trả nợ trong thời hạn cam kết, vi phạm quy định tại Điều 7 Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định 1627 ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước, về điều kiện vay vốn.
Mặc dù hồ sơ vay không đảm bảo như trên, nhưng Tổ thẩm định vẫn báo cáo kết quả thẩm định xác định dự án đầu tư của Công ty Kenmark đáp ứng được các điều kiện cho vay theo quy định, phương án đầu tư có hiệu quả, khả thi, hồ sơ pháp lý đầy đủ, dẫn đến quyết cho vay gần 53 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng trái quy định, không đúng yêu cầu về hình thức giải ngân 2 bước theo chỉ đạo của ngân hàng BIDV.
Do đó, khi Công ty Kenmark dừng hoạt động, đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam, các ngân hàng thu nợ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Kenmark, đối trừ số tiền cho vay Công ty Kenmark vay tính đến ngày khởi tố vụ án thì dư nợ không có khả năng thu hồi của Công ty Kenmark tại ngân hàng BIDV, SHB, HHB là hơn 360 tỷ đồng.
Đến nay số tiền Công ty Kenmark còn dư nợ không thu hồi được tại 3 Chi nhánh BIDV là hơn 181 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark. (Ảnh: Đức Thanh).
Hành vi vi phạm của từng bị can
Theo cáo trạng, bị can Đỗ Quốc Hùng, nguyên Giám đốc Chi nhánh BIDV Thành Đô, khi kiểm tra lại kết quả thẩm định của Tổ thẩm định chung, bị can đã phát hiện Công ty Kenmark và chủ sở hữu là Công ty Cheermaster (Samoa) có năng lực tài chính không rõ ràng, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án tại Việt Nam. Ngoài ra, bên bảo lãnh là Công ty Kenmark Industrial cũng không đủ năng lực để đảm bảo khả năng trả nợ, gốc, lãi, chi phí phát sinh liên quan đến khoản vay 68 triệu USD của Công ty Kenmark. Như vậy, dự án không khả thi, không đảm bảo các điều kiện vay theo quy định của BIDV, nhưng bị can vẫn ký đề nghị trụ sở chính BIDV phê duyệt cho vay, đồng thời tham gia phê duyệt giải ngân 12,116,167.19 USD.
Bị can Lưu Thị Bích Thủy, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Thành Đô đã tham gia thẩm định hồ sơ vay vốn với vai trò là Tổ trưởng Tổ thẩm định chung, ký báo cáo thẩm định đề xuất cho vay; tham gia dự thảo Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh, kiểm tra hồ sơ giải ngân từng lần, đề xuất giải ngân hơn 25 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng.
Khi thẩm định hồ sơ vay vốn của Công ty Kenmark, ngoài những vi phạm quy định về thẩm định, đề xuất cho vay như đã nêu trên, bị can và Tổ thẩm định không đề xuất bên bảo lãnh phải có tài sản đảm bảo để bảo lãnh vì khoản vay của Công ty Kenmark được bảo đảm bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay là quyền sử dụng khu đất dự án, bất động sản và quyền tài sản liên quan đến dự án, bảo lãnh của Công ty Kenmark Industrial là biện pháp bảo đảm bổ sung trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo không đủ để thu hồi nợ sẽ thực hiện yêu cầu bên bảo lãnh trả nợ gốc, lãi cho khoản vay của Công ty Kenmark.
Bị can Nguyễn Văn Hà, nguyên Phó Trưởng phòng tín dụng BIDV Thành Đô, khi thẩm định hồ sơ vay, ngoài những vi phạm quy định về thẩm định, đề xuất cho vay như đã nêu trên, bị can chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ do Công ty Kenmark cung cấp để đánh giá năng lực tài chính khách hàng đủ điều kiện vay vốn và Công ty Kenmark Industrial đủ năng lực bảo lãnh cho Công ty Kenmark. Bị can không kiểm tra, làm rõ chênh lệch, mâu thuẫn số liệu về tình hình tài chính của Công ty Kenmark Industrial do khách hàng cung cấp và do Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CIC) cung cấp; không đưa thông tin hạn mức tín dụng tối đa được khuyến cáo của đơn vị bảo lãnh chỉ có 350.000 USD, thấp hơn nhiều so với khoản vay của Công ty Kenmark vào nội dung bảo cáo thẩm định. Bị can đã đề xuất, thực hiện giải ngân 48 lần từ ngày 25/2/2008 đến 18/5/2010 với tổng giá trị đã giải ngân là hơn 50 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng.
Bị can Lại Minh Ngọc, Trưởng phòng thẩm định và quản lý tín dụng BIDV Chi nhánh Thành Đô, đã có hành vi ký báo cáo kết quả thẩm định ngày 11/12/2007 đánh giá dự án khả thi và đề xuất cho Công ty Kenmark vay vốn. Sau khi hợp đồng tín dụng được ký kết, Ngọc cũng tham gia ký các chứng từ giải ngân cho Công ty Kenmark 30,930,224.50 USD.
Bị can Phạm Anh Tài, nguyên Trưởng phòng tín dụng BIDV Thành Đô là thành viên Tổ thẩm định chung tham gia thẩm định hồ sơ vay vốn, bị can đã phát hiện dự án có khả năng xảy ra rủi ro nhưng vẫn ký báo cáo thẩm định thống nhất đánh giá, đề xuất cho Công ty Kenmark vay vốn và tham gia - giải ngân 18,698,129.33 USD.
"Hành vi của Đỗ Quốc Hùng, Lưu Thị Bích Thủy, Nguyễn Văn Hà, Lại Minh Ngọc, Phạm Anh Tài đã gây thiệt hại cho BIDV Thành Đô khoản tiền giải ngân chưa thu hồi hơn 76 tỷ đồng", cáo trạng nêu.
Cũng theo cáo trạng, ngoài 5 bị can nói trên, bị can Lê Vũ Thanh, nguyên Giám đốc và Đỗ Xuân Khoan, nguyên Phó phòng tín dụng BIDV Tây Nam Quảng Ninh, đã tham gia thẩm định hồ sơ, báo cáo kết quả thẩm định ngày 11/12/2007 đánh giá dự án khả thi và đề xuất cho Công ty Kenmark vay vốn, đã gây thiệt hại cho BIDV Tây Nam Quảng Ninh khoản tiền giải ngân chưa thu hồi hơn 73 tỷ đồng.
Đỗ Xuân Khoan đã tự nguyện nộp 300 triệu đồng để khắc phục hậu quả trong tổng số hơn 74 tỷ đồng được coi là tình tiết giảm nhẹ cho bị can.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/phap-luat/truy-to-7-cuu-lanh-dao-ngan-hang-vung-360-ty-trong-vu-du-an-viet-hoa-kenmark-20221101221247214.htm