Sau hơn nửa ngày xét xử, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ doanh nghiệp kiện Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng.
Công trình hoạt động hàng chục năm mới phát hiện vi phạm
Về diễn biến vụ việc, trên cơ sở được sự đồng ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng, năm 2009 và năm 2011, Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) đã ký cam kết với Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa (gọi tắt là Công ty Đảo Cát Dứa), trong đó có nội dung liên doanh, liên kết, lập đề án mô hình thí điểm du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn rừng và biển tại VQG Cát Bà.
Sau khi ký bản cam kết Công ty Đảo Cát Dứa đã xây dựng các công trình tại bãi Cát Dứa 2 thuộc VQG Cát Bà, như: Nhà sàn phục vụ ăn uống, sân bóng chuyền, nhà tắm tráng nước ngọt, nhà phục vụ massage,...
Một công trình du lịch của Công ty Đảo Cát Dứa tại VQG Cát Bà thời điểm chưa bị phá dỡ. (Ảnh: Vietnamnet).
Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng xác định, các công trình xây dựng nói trên đã vi phạm pháp luật do chưa có giấy phép xây dựng. Ngày 25/11/2021, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 176 áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Đảo Cát Dứa do có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
Quyết định số 176 buộc Công ty Đảo Cát Dứa phải tháo dỡ công trình xây dựng để khắc phục hậu quả.
Không đồng tình với Quyết định 176, Công ty Đảo Cát Dứa khởi kiện Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng ra Tòa án nhân dân (TAND) TP Hải Phòng.
Ngày 25/6, TAND TP Hải Phòng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện trên. Tòa đã bác đơn kiện của Công ty Đảo Cát Dứa và cho rằng, Quyết định 176 của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng là có căn cứ pháp luật.
Sau đó, Công ty Đảo Cát Dứa đã kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng lên TAND cấp cao tại Hà Nội.
Ngày 28/10 vừa qua, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện hành chính giữa bên khởi kiện là Công ty Đảo Cát Dứa, bên bị kiện là Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng.
Tại phiên tòa này, các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Công ty Đảo Cát Dứa cho rằng, các công trình xây dựng của công ty này thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng (GPXD) theo quy định tại điểm k, khoản 2, điều 89 Luật Xây dựng (công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt…).
Các luật sư trình bày tại tòa, suốt quá trình xây dựng, hoạt động hàng chục năm không bị cơ quan chức năng nào nhắc nhở về vấn đề xây dựng. Đồng thời, đây là mô hình thí điểm, "có chăng" cũng chỉ được gọi là đề án, chứ chưa phải là dự án mà phải xin GPXD.
Trong phần tranh luận, luật sư Đinh Thị Hòa thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội (bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Công ty Đảo Cát Dứa) cho rằng, vụ việc này có trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng do chưa làm hết chức năng thanh tra, kiểm tra, để công trình hoạt động hàng chục năm mà đến 2021 mới phát hiện và ra quyết định xử phạt. Ngoài ra, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực nhưng công trình đã bị cưỡng chế phá dỡ theo Quyết định 176 là sai quy định.
Tiếp tục tranh luận tại tòa, đại diện Công ty Đảo Cát Dứa cho rằng, Quyết định 176 sai cơ bản về hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm.
Vị này giải thích, công trình xây dựng thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng theo điểm b, khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014 nhưng Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng lại xác định là công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
Đồng thời, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng còn xác định sai đối tượng để xử phạt vi phạm hành chính.
"Đây là áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Nghị định 139. Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng xác định Công ty Đảo Cát Dứa phải khắc phục hậu quả do không lập dự án đầu tư, mà theo quy định của pháp luật thì chủ rừng là VQG Cát Bà mới là tổ chức phải lập dự án đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái", vị đại diện Công ty Đảo Cát Dứa lập luận.
Tranh luận lại với các quan điểm nói trên, luật sư Tạ Ngọc Bảo thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội (người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng) khẳng định, Quyết định 176 ban hành là đúng quy định, có căn cứ pháp luật.
Ông Bảo thừa nhận, VQG Cát Bà là chủ rừng phải có trách nhiệm lập đề án đầu tư kinh doanh, báo cáo các cấp có thẩm quyền về các hồ sơ phê duyệt... Nhưng trong vụ việc này chỉ liên quan đến vấn đề xây dựng. Các công trình xây dựng nói trên do Công ty Đảo Cát Dứa xây dựng chứ không phải do VQG Cát Bà xây dựng, do đó, đối tượng phải xử lý là Công ty Đảo Cát Dứa.
Ông Bảo viện dẫn rất nhiều các quy định của pháp luật để khẳng định, các công trình xây dựng tại khu vực nói trên phải có GPXD. Việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái tại VQG, khu bảo tồn thiên nhiên phải được lập thành đề án cụ thể, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Việc phê duyệt cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái phải tuân theo các quy định đầu tư xây dựng cơ bản…
Thanh tra Sở Xây dựng hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, khi phát hiện sai phạm về xây dựng sẽ tiến hành xử lý.
"Quyết định cưỡng chế có hiệu lực là căn cứ vào quy định luật xử lý vi phạm hành chính, chứ không phải căn cứ các quy định khác. Quyết định 176 có hiệu lực về hành chính, chứ không phải vì quyết định này bị khởi kiện mà phải dừng thi hành, chưa có quy định nào như vậy", ông Bảo trình bày tại tòa.
Bác kháng cáo
Kết thúc phần tranh luận, trước khi chuyển sang phần nghị án, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại Hà Nội đã trình bày quan điểm giải quyết vụ việc.
Quang cảnh phiên tòa tại TAND cấp cao tại Hà Nội, ngày 28/10. (Ảnh: Nguyễn Dương).
Theo đó, vị đại VKS cho rằng, việc ban hành Quyết định 176 là đúng theo trình tự quy định của pháp luật. Địa điểm xây dựng công trình của Công ty Đảo Cát Dứa nằm tại bãi Cát Dứa 2, trong phạm vi của VQG Cát Bà quản lý. Đây là khu vực rừng đặc dụng, khu vực bảo tồn thiên nhiên đã được quy định và được giao cho VQG Cát Bà quản lý từ năm 1986.
Tại Khoản 2, Điều 22, Nghị định 186 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng đã quy định, việc tổ chức du lịch sinh thái trong khu rừng đặc dụng phải được lập thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Dự án phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng phải đáp ứng các yêu cầu, trình tự thủ tục xây dựng và các công trình phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
"Như vậy công trình xây dựng của Công ty Đảo Cát Dứa nằm trên thị trấn Cát Bà thuộc VQG Cát Bà là khu vực chức năng, đặc thù nên việc xây dựng phải tuân theo quy định của khu chức năng đặc thù và phải được cấp phép theo quy định của pháp luật. Việc Công ty Đảo Cát Dứa không thực hiện xin cấp giấy phép xây dựng là chưa đảm bảo theo quy định. Do đó, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng ban hành Quyết định 176, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có căn cứ, đúng quy định", đại diện VKS nêu quan điểm.
Từ căn cứ phân tích trên, vị đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) căn cứ vào Khoản 1, Điều 241 Luật Tố tụng hành chính, bác kháng cáo của người khởi kiện là Công ty Đảo Cát Dứa, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.
Sau thời gian ngắn nghị án, đầu giờ chiều cùng ngày, HĐXX đã quay lại phòng xử án và tuyên bác kháng cáo của Công ty Đảo Cát Dứa, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/phap-luat/toa-cap-cao-ra-phan-quyet-vu-kien-chanh-thanh-tra-so-xay-dung-hai-phong-20221030005518256.htm