Mới đây, cựu giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn tiếp tục gửi đơn kêu oan và kiến nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đến chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giám đốc thẩm vụ SAGRI.
Ông Trần Trọng Tuấn - Ảnh: T.L
Trước đó, ông Trần Trọng Tuấn đã gửi đơn đến chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị giám đốc thẩm vụ SAGRI. Mới đây, ông Tuấn tiếp tục gửi đơn đến chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình bày thêm một số nội dung.
Theo đó, ông Tuấn cho rằng vụ án chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông có điểm tương đồng với vụ án SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty Phong Phú. Cụ thể là chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, không hình thành pháp nhân mới.
Trong đơn gửi đến chánh án TAND tối cao, ông Tuấn dẫn chứng trong vụ án tại khu dân cư Ven Sông, Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đã góp vốn hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai, sau này chuyển tiếp hợp tác với Quốc Cường Gia Lai nhằm thực hiện dự án Ven Sông, do Tân Thuận làm chủ đầu tư.
Trong quá trình thực hiện dự án, Tân Thuận đã báo cáo và xin chủ trương của Văn phòng Thành ủy TP.HCM về việc chuyển nhượng 11.967,4m2 đất của dự án này cho Quốc Cường Gia Lai và được chấp thuận. Năm 2017, Tân Thuận đã nộp hồ sơ đề nghị UBND TP cho phép chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản năm 2014.
Theo ông Tuấn, trong vụ án này, kết luận giám định của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc chấp thuận chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông là phù hợp với điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.
Việc chuyển nhượng thực hiện theo quy định tại điều 31 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp... chưa có quy định hướng dẫn việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh phải thực hiện đấu giá công khai.
Về phía Công ty Tân Thuận, theo ông Tuấn, khi chuyển nhượng một phần dự án do chính Tân Thuận làm chủ đầu tư thì Tân Thuận phải tiến hành thẩm định giá theo thị trường, để xác định giá trị số vốn (quyền sử dụng đất) mà Công ty Tân Thuận đã đầu tư trong dự án này, nhằm bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại khoản 1 điều 31 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014.
Trở lại vụ án SAGRI, ông Tuấn cho rằng việc SAGRI nộp hồ sơ đề nghị UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đề án tái cơ cấu SAGRI giai đoạn 2013 - 2015.
Hội đồng thẩm định đã thẩm định hồ sơ và kết luận dự án do SAGRI làm chủ đầu tư bảo đảm các điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 và nghị định số 76/2015, thống nhất tham mưu UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án là đúng quy định của pháp luật và chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ông cho rằng việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn mà SAGRI đã đầu tư trong dự án này không phải đấu giá công khai song bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư trong dự án này phải thực hiện đấu giá công khai là sai lầm nghiêm trọng.
Từ đó, ông Tuấn đề nghị chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM, tạm đình chỉ thi hành này đối với ông
Theo Tuyết Mai/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dan-chung-vu-ven-song-cuu-giam-doc-so-xay-dung-tp-hcm-tiep-tuc-keu-oan-vu-sagri-20221018172340571.htm