Theo luật sư, hành vi tự ý xông vào nhà người khác đánh người có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác và tội Cố ý gây thương tích.
Vụ việc Phó trưởng Công an phường Sông Bằng, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng có hành vi lao vào tiệm tóc đánh một phụ nữ vào giữa đêm khuya, đang gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Hình ảnh Trung tá Đặng Đình Đoàn (Phó trưởng Công an phường Sông Bằng) lao vào hành hung một phụ nữ.
Gửi bình luận về báo, bạn đọc Dân trí cho rằng, tuy sự việc đang trong quá trình điều tra, nhưng qua xem clip đã thấy sự sai sót rất rõ ràng của cơ quan chức năng: "Những người mặc thường phục khác tôi chưa nói đến, tôi chỉ thấy ngạc nhiên là có một đồng chí mặc cảnh phục tham gia vào vụ việc này.
Là một chiến sĩ công an nhân dân thì đồng chí đó phải hoàn toàn hiểu rằng không thể bắt người vô cớ khi chưa có lệnh bắt được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Việc mang trên người bộ cảnh phục của đồng chí đó là hoàn toàn không phù hợp trong trường hợp này, chưa nói việc đồng chí này còn cùng mấy người còn lại xâm nhập gia cư bất hợp pháp sau 23h.
Theo tôi, cùng với việc đình chỉ công tác phó trưởng công an phường thì đồng chí mặc cảnh phục kia cũng phải bị đình chỉ công tác với lý do là người thuộc lực lượng chấp pháp nhưng không hiểu rõ luật, gây phản cảm trong nhân dân và làm xấu hình ảnh lực lượng công an nhân dân".
Bạn đọc Quan Nguyen ngạc nhiên: "Trung tá công an, phó trưởng phường mà năng lực luật yếu kém vậy sao? Trong clip nghe rất rõ thanh niên áo trắng nói "... nhà cháu có cam... (camera)" không lẽ ông trung tá không nghe thấy? Hay ông ta nghĩ rằng hành động của ông ta là đang thi hành công vụ đúng pháp luật (điều này càng nguy hiểm đối với một cán bộ công an)? Rất ủng hộ cách xử lý của giám đốc công an tỉnh! Cần có biện pháp xử lý quyết liệt làm trong sạch đội ngũ cán bộ thực thi công vụ!".
Nhiều bạn đọc cho rằng, vụ việc này công an Cao Bằng cần xử lý nghiêm như Công an Hà Nội trước đây, khi quyết định kỷ luật và sa thải khỏi ngành với cựu đại úy Lê Thị Hiền - cán bộ Công an quận Đống Đa gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất.
"Vi phạm điều lệ ngành, vi phạm nguyên tắc đạo đức cơ bản trong ứng xử và dấu hiệu tội phạm quá rõ"
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Pháp trị cho rằng, qua video có thể thấy vị Phó trưởng Công an phường Sông Bằng chẳng những không chấp hành các quy tắc ứng xử được điều lệ ngành công an quy định mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm nguyên tắc đạo đức cơ bản trong ứng xử giữa những con người văn minh với nhau, hành xử không phù hợp trong một xã hội có pháp luật.
Người đàn ông được cho là vị bác sĩ trong câu chuyện là một bác sĩ đang công tác tại Phòng khám đa khoa 103 Cao Bằng (ảnh: Trần Thanh).
Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10 tháng 04 năm 2012 quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân đã ghi rõ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi ứng xử với nhân dân, người vi phạm phải tuân thủ các nội dung sau:
Điều 40. Ứng xử khi giao tiếp với nhân dân
Điều 41. Ứng xử khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật
Khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.
Luật sư Lực khẳng định: "Hành động của vị phó trưởng công an phường khi tát người thanh niên; tát, xô đẩy người phụ nữ là biểu hiện của thói cửa quyền, lạm quyền, sử dụng vũ lực để ức hiếp, tấn công người yếu thế trong xã hội".
Việc làm này đi ngược nguyên tắc "Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" được quy định tại điều 4 Luật Công an nhân dân. Hành động này có tính chất cá nhân, không đại diện cho hình ảnh người chiến sỹ công an nhân dân toàn ngành công an.
Trong vụ việc này, để bảo vệ danh dự, uy tín của ngành công an, duy trì niềm tin của người dân vào lực lượng Công an, để xứng đáng với vị trí "Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội" mà Đảng, Nhà nước ghi nhận thì nhất thiết cơ quan công an quản lý cán bộ, chiến sĩ phải có biện pháp kỷ luật thật thích đáng.
Về mặt luật pháp, theo luật sư Lực, vị phó trưởng công an phường này vi phạm quy định ngành và có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở của người khác và có hành vi đánh người, cố ý gây thương tích.
Tự ý xông vào nhà người khác đánh người phạm tội gì?
Khi xảy ra mâu thuẫn, tự ý xông vào nhà người khác đánh người là một trong những trường hợp xảy ra khá phổ biến. Hành vi này không chỉ xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ mà còn xâm phạm đến quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công dân.
Pháp luật Việt Nam đã có quy định về mức phạt cụ thể với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác và hành vi đánh người, cố ý gây thương tích như sau:
Xâm phạm chỗ ở của người khác bị phạt tù đến 05 năm
Người tự ý xâm phạm chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp có thể bị xử lý về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, mức phạt với hành vi xâm phạm chỗ ở trái phép theo Điều 158 là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc phạm tội 02 lần trở lên… có thể bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
Cần lưu ý, theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự, hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội mới bị coi là tội phạm, những trường hợp hành vi có tính chất mức độ nguy hiểm không đáng kể thì được xử lý bằng các biện pháp khác.
Việc cố tình gây gổ đánh người sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thương tích nặng cho người khác.
Nếu vi phạm lần đầu, đồng thời gây thương tích với tỷ lệ dưới 11% và không thuộc các trường hợp đặc biệt thì bị phạt hành chính từ 02 - 03 triệu đồng theo điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Theo Điều 134, khung hình phạt thấp nhất được áp dụng với tội Cố ý gây thương tích là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, tội này còn quy định các khung hình phạt tăng nặng khác với mức phạt tù lên đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân.
Như vậy, theo các quy định trên, nếu tự ý xâm phạm chỗ ở của người khác và thực hiện hành vi đánh người thì người thực hiện có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác và tội Cố ý gây thương tích.
Năm 2019, Thượng úy Nguyễn Duy Linh - Đội cảnh sát hình sự và Thiếu úy Nguyễn Minh Luân - Đội cảnh sát quản lý hành chính Công an TP Châu Đốc, tỉnh An Giang uống rượu rồi cự cãi với người đàn ông tên Hải (ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc). Sau đó cả hai xông vào nhà ông Hải đấm đá và dùng côn 3 khúc đánh vào mặt ông, dù được người dân và người nhà ông Hải can ngăn. Hậu quả, ông Hải phải đi Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc cấp cứu trong tình trạng tét đầu, sống mũi bị gãy, sau chuyển tiếp Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 cựu công an TP về hành vi cố ý gây thương tích. |
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/ban-doc/vu-pho-cong-an-phuong-danh-phu-nu-co-the-khoi-to-hinh-su-20220505110341323.htm