Hành vi của các bị cáo đã tác động trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của chính quyền nhân dân
Tối 18-4, sau một ngày xét xử và nghị án, TAND TP HCM công bố mức hình phạt đối với 12 bị cáo là thành viên tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời".
Tòa sơ thẩm phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Xuân 13 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Cùng tội danh, 11 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Thanh Xoan, Lương Thị Thu Hiền, Trần Văn Long, Y Hon Enuol, Y Tup Knul, Y Phương Ding Riêl, Nguyễn Minh Quang, Đỗ Thị Xuân Hương, Nguyễn Thị Kim Phượng, Lê Ngọc Thành, Phạm Hổ bị tuyên phạt mức án từ 3 - 12 năm tù. Ngoài ra, tất cả bị cáo phải chịu quản chế 2 hoặc 3 năm.
Tổ chức khủng bố
Tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" thành lập ở nước ngoài từ năm 1990 do Đào Minh Quân cầm đầu. Từ năm 2007, Bộ Công an đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động chống phá của "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời". Tuy nhiên, tổ chức này không từ bỏ âm mưu và tham vọng lật đổ chính quyền, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cuối năm 2013, Đào Minh Quân cùng thành viên cốt cán ra sức tiến hành nhiều kế hoạch lôi kéo, móc nối, phát triển lực lượng và đưa người nước ngoài về Việt Nam chỉ đạo các hoạt động chống phá.
Bằng nhiều cách, "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" chuyển tiền hỗ trợ thành viên hoạt động trong nước. Tổ chức này cũng đánh vào tâm lý người có hoàn cảnh khó khăn rồi tung tin thành viên sẽ được xem xét cấp nhà, đất, tạo việc làm...
Cùng với đó, "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" ráo riết tuyển chọn thành viên trong nước thông qua mạng xã hội rồi chỉ đạo những người này lôi kéo người dân đăng ký vào "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", bầu Đào Minh Quân làm "tổng thống"; in, phát tán nhiều tài liệu nhằm khuếch trương thanh thế, nói xấu Đảng và Nhà nước.
Đầu năm 2018, Bộ Công an khẳng định "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" là tổ chức khủng bố. Hành vi tham gia, tuyên truyền hay xúi giục người khác tham gia; tài trợ, nhận tài trợ… là việc làm vi phạm pháp luật. Cá nhân sai phạm chịu xử lý theo luật pháp Việt Nam.
Cảnh phiên tòa ngày 18-4
Phát tán nhiều tài liệu chống phá, xuyên tạc
Gia nhập "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", 12 bị cáo móc nối, mở rộng hoạt động ở nhiều địa phương.
Tại TP HCM, Trần Thị Ngọc Xuân dụ dỗ, hướng dẫn nhiều người đăng ký vào tổ chức. Xuân cũng bàn bạc, trao đổi với đồng phạm để in ấn, phát tán tài liệu (20 cuốn "Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng hòa"…). Quá trình hoạt động, Xuân nhận 300 USD, 400 đôla Canada và hơn 3 triệu đồng.
Ở tỉnh Đắk Lắk, Y Hon Enuol cùng Y Tup Knul đăng ký trở thành thành viên qua internet và rủ rê thêm nhiều người thân. Quá trình hoạt động, 2 bị cáo phát tán nhiều tài liệu, mua sắm vật liệu làm cờ ba sọc đỏ. Y Hon Enuol lập danh sách 142 người thực hiện "trưng cầu dân ý".
Tương tự, bị cáo Lê Ngọc Thành thường xuyên đọc bài viết, xem video do "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" đăng tải trên mạng xã hội. Thành tự nguyện góp sức, tiến hành "trưng cầu dân ý", bầu Đào Minh Quân làm "tổng thống". Không chỉ vậy, Thành đóng góp ý kiến chỉnh sửa "Hiến ước lâm thời"...
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo gây ra thuộc trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; tác động trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị tại nhiều tỉnh, thành phố; ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của chính quyền nhân dân.
Truy nã "thủ lĩnh" tổ chức khủng bố
Đối với Đào Minh Quân, "tổng thống" tự xưng của "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời ", Bộ Công an ra quyết định truy nã về tội "Khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Cơ quan điều tra xác định thêm 11 người khác giữ vai trò chủ chốt, hoạt động tích cực trong tổ chức nói trên, tuy nhiên, tất cả đang ở nước ngoài. Cơ quan công an tiếp tục xác minh, trao đổi với những đơn vị liên quan để phối hợp làm rõ hành vi phạm tội của họ.
Liên quan vụ án, con gái bị cáo Trần Thị Ngọc Xuân (tên là N.T.T.P) có đăng ký "trưng cầu dân ý" cho một số người khác; giúp mẹ nhận tiền "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" chuyển. Khi làm những việc đó, P. hạn chế nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật; quá trình điều tra, P. khai báo thành khẩn, giúp nhà chức trách làm rõ nhiều tình tiết. Cơ quan điều tra nhận thấy chưa cần thiết xử lý hình sự đối với N.T.T.P.
Đồng thời, pháp luật không truy cứu trách nhiệm hình sự một số cá nhân đăng ký tham gia tổ chức phản động với lý do họ bị lôi kéo bởi những món lợi được "vẽ" ra. Khi làm việc với cơ quan công an, những người này rất hối cải và hợp tác khai báo.
Theo Di Lâm/ NLĐ
https://nld.com.vn/phap-luat/12-thanh-vien-cua-to-chuc-khung-bo-hau-toa-20220418212441394.htm