Trước tình hình phức tạp từ tội phạm ma túy, lực lượng chức năng đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa đấu tranh các tội phạm ma túy, đặc biệt trên các tuyến biên giới, quyết không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến đặc biệt phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhưng tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng. Cùng với đó, tội phạm này tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với phương thức, thủ đoạn rất mới, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng hoạt động và triệt để lợi dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ để đối phó với sự kiểm soát, phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng.
Một đối tượng buôn bán ma túy bị cảnh sát bắt giữ
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), cho biết thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng Internet để thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy. Bên cạnh đó, xuất hiện xu hướng các đối tượng người nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, những quy định thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu... móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty "bình phong" sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.
Theo đó, nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không… Trên tuyến hàng không, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ.
Một loại ma túy mới được cơ quan chức năng phát hiện
Tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... với thủ đoạn rất tinh vi. Cùng với đó, tình hình mua bán lẻ chất ma túy và tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp.
Theo cục trưởng Cục phòng chống ma túy, Luật phòng, chống ma túy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. "Quy định của luật sát với thực tiễn, giúp cho công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn "cầu" về ma túy" - Thiếu tướng Viện nói.
Nói thêm về công tác phòng chống ma túy, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an, cho biết trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với lực lượng chức năng các nước sát biên giới triển khai nhiều các biện pháp ngăn chặn, tăng cường đấu tranh "chặt đứt vòi bạch tuộc" từ bên kia biên giới. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa đấu tranh các tội phạm ma túy, đặc biệt trên các tuyến biên giới.
Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trong 11 tháng đầu năm 2021, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phát hiện hơn 25.000 vụ, bắt giữ hơn 37.000 đối tượng, thu giữ 596 kg heroin, 2,6 tấn và 2,4 triệu viên ma túy tổng hợp… Cảnh sát cũng thu giữ 67 khẩu súng quân dụng, 7 lựu đạn, hàng trăm viên đạn liên quan đến các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy.
Theo Nguyễn Hưởng/ NLĐ
https://nld.com.vn/phap-luat/quyet-tam-khong-de-viet-nam-la-dia-ban-trung-chuyen-ma-tuy-20220204110718825.htm