Theo thông tin từ Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), hiện nay, trên địa bàn huyện xuất hiện một số đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin của nhân dân, làm giả lệnh bắt tạm giam của cơ quan pháp luật để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng trên mạo danh là người của viện kiểm sát, công an (điều tra viên) nhắn tin qua mạng xã hội Zalo cho người bị hại nói họ đang nợ một khoản tiền, yêu cầu bị hại đến ngân hàng, lập tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền cho chúng.
Đối tượng xấu làm giả giấy lệnh bắt bị can để tạm giữ và quyết định ban hành quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ của cơ quan chức năng.
Đồng thời, các đối tượng còn gửi giấy lệnh bắt bị can để tạm giam và quyết định ban hành quy chế niêm phong tài sản (lệnh và quyết định được làm giả) cho bị hại, đe dọa nếu không gửi tiền sẽ bị bắt và niêm phong tài sản.
Đơn cử, ngày 22/4, đối tượng xấu đã làm giả lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Làn (SN 1984), trú tại xã Tân Mộc (Lục Ngạn) với nội dung: “Bị viện kiểm sát cấp cao tại TP Đà Nẵng bắt tạm giam về tội mở một tài khoản Ngân hàng Vietcombank (TMCP Ngoại thương Việt Nam) dùng để rửa tiền trốn thuế xuyên quốc gia cho đường dây lừa đảo rửa tiền theo lời khai của một tội phạm là Nguyễn Văn Dũng theo khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự”.
Bà Làn cũng nhận được quyết định giả mạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc ban hành quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự.
Các đối tượng xấu làm giả lệnh bắt và quyết định trên trông như thật, đều có số văn bản, ngày tháng và chữ ký, dấu đỏ của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Trước thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi trên, Công an huyện Lục Ngạn đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, không thực hiện các giao dịch, trao đổi đối với các đối tượng có hành vi nêu trên. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm, người dân hãy liên hệ với cơ quan công an gần nhất để được giải quyết (Số điện thoại Trực ban Công an huyện Lục Ngạn: 0204 3882205).
Được biết, việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử để tạm giam nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Khi tiến hành lệnh bắt bị can, bị cáo phải có đại diện chính quyền cấp xã hay đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú, làm việc. Sự có mặt của người láng giềng trong trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam tại nơi cư trú có ý nghĩa bảo đảm việc bắt người được công khai dân chủ, đồng thời tăng cường tính giáo dục, tuyên truyền pháp luật.
Điều đáng lưu ý nữa là, việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam không mang tính chất cấp bách như bắt người trong trường hợp khẩn cấp, quả tang hay truy nã. Vì vậy, không được bắt người vào ban đêm (tính từ 22 giờ hôm trước tới 6 giờ hôm sau), nghĩa là chỉ có thể bắt bị can, bị cáo để tạm giam từ 6 giờ đến 22 giờ. Ngoài thời gian đó mà bị bắt là vi phạm thủ tục tố tụng hình sự.
Theo Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/357761/bac-giang-lam-gia-lenh-bat-tam-giam-lua-dao-chiem-doat-tai-san.html