11
/
99383
"Người Thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách"
nguoi-thay-khong-chi-la-bieu-tuong-cua-tri-tue-ma-con-la-cot-cach
news

"Người Thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách"

Thứ 6, 23/10/2020 | 14:39:40
306 lượt xem

Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng là nghề luôn được đặt kỳ vọng rất cao. Từ xa xưa người Thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách. Ngày nay sự kỳ vọng đó vẫn còn nguyên.

Đó là nhấn mạnh trong bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ khai giảng năm học mới trường ĐH Sư phạm Hà Nội sáng nay 23/10.

Người Thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Kỳ vọng đối với người thầy là đạo đức, phong cách, là tấm gương mô phạm

Mở đầu bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi tới các thầy giáo, cô giáo - đặc biệt là các thầy cô giáo đang ngày đêm vất vả gùi con chữ lên núi cao, chở con chữ ra hải đảo và lúc này đây nhất là các thầy cô giáo đang ở trong vùng lũ lụt miền Trung lời chào cùng những tình cảm kính trọng và tri ân tự đáy lòng.

Phó Thủ tướng cũng gửi tới các bạn sinh viên sư phạm cả nước - những người thầy, người cô tương lai lời chúc tốt đẹp nhất cùng sự kỳ vọng và tin tưởng.

Phó Thủ tướng cho biết, Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư, trọng đạo. Ở bất kỳ thời đại nào, thầy giáo, cô giáo cũng luôn được kính trọng. Ngay từ thuở còn nằm nôi đã nghe lời mẹ ru “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng là nghề luôn được đặt kỳ vọng rất cao. Từ xa xưa người Thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách.

Ngày nay sự kỳ vọng đó vẫn còn nguyên cho dù nghề giáo, người Thầy không tách ra khỏi được những lo toan cuộc sống thường nhật. Ngành giáo dục luôn được kỳ vọng, được đòi hỏi phải như các nước phát triển nhất cho dù không thể tách rời ra khỏi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.

“Đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội đối với người Thầy không chỉ là kiến thức, là trình độ mà còn là đạo đức, phong cách, là tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nói: “Tôi thật sự trân trọng, ngưỡng mộ các thầy cô giáo và các bạn sinh viên chọn nghề giáo, chọn học trường sư phạm.

Tôi hết sức cảm phục nỗ lực phấn đấu của các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà nội và rất mong Nhà trường tiếp tục có nhiều hoạt động có tính tiên phong, mạnh mẽ hơn nữa để góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện thành công Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”.

Người Thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tham dự khai giảng tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ phải là hình mẫu cho các Trường Sư phạm

Tại buổi lễ khai giảng, Phó Thủ tướng nêu vấn đề để các thầy cô giáo và sinh viên trường ĐH Sư phạm lưu ý,  cần tập trung đổi mới mô hình quản trị nhà trường theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương và quy định của pháp luật về Giáo dục Đại học…mô hình của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ phải là hình mẫu cho các Trường Sư phạm trong cả nước tham khảo, noi theo.

Nhà trường cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ đội ngũ giáo viên của riêng Trường, Trường còn trách nhiệm tham gia công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho cả nước.

Đổi mới phương pháp dạy và học mà trước hết là nhắm vào những điểm yếu, bất cập nhất trong dạy và học của hệ thống giáo dục mà chúng ta đa nhận diện. Đó là chuyển từ truyền đạt một chiều, tiếp thu thụ động, thiếu phản biện sang cách học có tương tác và khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ và sự tham gia của người học.

Người Thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách - 3

Các thầy cô giáo tương lai, các bạn sinh viên sư phạm phải tự đổi mới trước và chắc chắn phải đổi mới rất nhiều.

Phó Thủ tướng cho biết, khơi dậy sáng tạo của người học  khó hơn một bậc. Cao hơn nữa còn phải làm cho việc học là niềm vui để “học sinh mỗi ngày tới trường là một ngày vui” như Albert Einstein từng nói: “Nghệ thuật tuyệt đỉnh của giáo dục là khơi dậy niềm hạnh phúc được học tập và sáng tạo”. Muốn vậy thì các thầy cô giáo tương lai, các bạn sinh viên sư phạm phải tự đổi mới trước và chắc chắn phải đổi mới rất nhiều.

Bên cạnh đó, nhà trường rất cần tăng cường công tác sinh viên, công tác Đoàn thanh niên để sinh viên có thể tham gia nhiều hoạt động tự rèn luyện và các hoạt động xã hội. Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là những người không chỉ có chuyên môn vững vàng, có tư duy sáng tạo, mà phải có cốt cách văn hóa, có đạo đức và phong cách mô phạm.

Phó Thủ tướng, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp, có kế hoạch đầu tư hệ thống các Trường Sư phạm trong cả nước. Cần tập trung đầu tư cho các Trường Sư phạm trọng điểm như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đủ điều kiện, đủ năng lực để hoàn thành vai trò nòng cốt của nòng cốt trong Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Các thầy giáo của Bộ GD&ĐT gặp tôi thường nói “máy cái của máy cái”.

Tôi cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa, quan tâm thực sự tới việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên.

Trước mắt và trực tiếp nhất là thực hiện thật tốt Nghị định 116/NĐ-CP2020 của Chính phủ vừa ban hành quy định về chính sách đối với sinh viên sư phạm. Nếu các địa phương chú trọng việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên phù hợp với yêu cầu của địa phương mình như quy định tại

Nghị định mới này thì chắc chắn sinh viên sư phạm sẽ an tâm hơn rất nhiều về điều kiện học tập và công việc sau khi tốt nghiệp. Cùng với đó là sự chỉ đạo, dành nguồn lực để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn và đầu tư trường, lớp. Chúng ta phải phấn đấu đảm bảo học sinh có đủ trường, lớp và thầy cô giáo để học thuận lợi ngày 2 buổi.

Người Thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách - 4

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tuổi trẻ có thể là dại khờ. Cũng có khi là thất bại. Nhưng hãy cứ hoài bão, cứ dấn thân để được cho và nhận, được trải nghiệm và trưởng thành".

Tuổi trẻ là hoài bão, là dấn thân

Với các sinh viên, Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, thách thức đang chờ đón các bạn. Từ việc làm, thu nhập tới đòi hỏi ngày càng cao của học sinh, của phụ huynh học sinh, của xã hội và cả sức ép của dư luận trước những hiện tượng, những hành vi không mang tính đại diện cho đội ngũ nhà giáo.

 Chưa cần đến lúc ra trường, trừ những bạn sinh viên năm thứ nhất được Nhà nước hỗ trợ học phí, chi phí để học, để sống trong thời gian học, còn nhiều bạn đang là sinh viên nhưng đã phải rất nỗ lực, vất vả mưu sinh.

Nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, tuổi trẻ là hoài bão, là dấn thân. Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên. Có thể là dại khờ. Cũng có khi là thất bại. Nhưng hãy cứ hoài bão, cứ dấn thân để được cho và nhận, được trải nghiệm và trưởng thành. Miễn là trong tim, trong suy nghĩ của các bạn luôn hướng tới những điều tốt đẹp và luôn nỗ lực, quyết tâm để vươn tới những điều tốt đẹp đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, dưới mái trường ĐH Sư phạm Hà Nội, các bạn sẽ có đầy đủ cơ hội để phấn đấu, để tu dưỡng, để hoàn thiện mình. Để mai này khi trở thành thầy giáo, cô giáo, từng lứa học trò sẽ nhớ về các bạn như những tấm gương khát khao học tập và cống hiến cho quê hương, đất nước; như những tấm gương về lòng nhân ái và  những giá trị cao quý.  

"Tôi nhớ một nhà thơ, nhà biên kịch người Ailen từng nói: “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một bình nước mà là thắp sáng một ngọn lửa”.

“Ngay từ bây giờ, hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa. Để ngọn lửa ấy được thắp lên, được bừng sáng và cháy mãi trong các thế hệ học sinh, các thế hệ người Việt Nam. Ngọn lửa trí tuệ. Ngọn lửa nhân văn. Ngọn lửa yêu nước, thương nòi. Ngọn lửa trách nhiệm, khát vọng vươn lên xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam giàu đẹp” – Phó Thủ tướng bày tỏ.

Theo Hồng Hạnh/Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nguoi-thay-khong-chi-la-bieu-tuong-cua-tri-tue-ma-con-la-cot-cach-20201023135449898.htm#dt_source=Cate_GiaoDucHuongNghiep&dt_campaign=Cover&dt_medium=1

  • Từ khóa

Tuyển sinh đại học năm 2025: Đón đầu nguồn nhân lực

Khởi động mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành/chương trình đào tạo mới nhằm đón đầu xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực.
15:48 - 16/01/2025
269 lượt xem

Số lượng trường ĐH ở các nước, vùng lãnh thổ: Nơi vài trường, nơi hàng ngàn

Bức tranh giáo dục sau phổ thông trên thế giới những năm qua khá sôi động khi chứng kiến nhiều ĐH lâu đời sáp nhập, nhiều ĐH mới thành hình. Đến hiện tại,...
14:55 - 16/01/2025
306 lượt xem

Những anh hùng 'cầm phấn' tại Burkina Faso

Burkina Faso, quốc gia nằm ở Tây Phi, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử.
10:36 - 16/01/2025
393 lượt xem

Giáo viên ở trường tự chủ thắc thỏm chờ thưởng Tết

Giáo viên ở 119 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội và khoảng 250 cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện, thị xã tại Hà Nội vẫn đang thắc thỏm chờ...
08:55 - 16/01/2025
451 lượt xem

Khó khăn dạy học tích hợp dần được tháo gỡ

Sau bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, khó khăn, vướng mắc khi phân công giáo viên, tổ chức dạy học môn tích hợp đã cơ bản được tháo gỡ...
07:38 - 16/01/2025
455 lượt xem