11
/
99241
Tạo điều kiện cho cơ chế, chính sách trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp
tao-dieu-kien-cho-co-che-chinh-sach-trong-hoat-dong-giao-duc-nghe-nghiep
news

Tạo điều kiện cho cơ chế, chính sách trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Thứ 4, 21/10/2020 | 11:18:54
267 lượt xem

Cả nước hiện có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, việc tạo điều kiện cũng như hành lang thực thi các cơ chế, chính sách trong hoạt động đào tạo nghề sẽ giúp nâng cao nhận thức xã hội.

Tạo điều kiện cho cơ chế, chính sách trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp - 1

Đào tạo tại Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama2, Đồng Nai (Ảnh minh họa: Lilama 2).

Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề 

Chia sẻ tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức, TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cho hay, phát triển GDNN, kỹ năng nghề (KNN) không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị kiến thức, kỹ năng thái độ nghề nghiệp cho người học.

Đằng sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và của mỗi quốc gia. Vì vậy, ngày 28-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có KNN, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 24).

Ông Trương Anh Dũng cũng nhấn mạnh về ba nhóm vấn đề cần quan tâm trong Chỉ thị 24 đã đặt ra.

Thứ nhất, phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Để đạt được mục tiêu này, các bộ ngành, địa phương cần phải tập trung phát triển nhân lực có KNN; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực theo ngành nghề và các cấp trình độ. 

Cùng với đó, xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có KNN theo từng lĩnh vực, ngành nghề; rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN; nhanh chóng ổn định tổ chức, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm chất lượng và hiệu quả của các cơ sở GDNN sau khi tổ chức, sắp xếp lại.

Đặc biệt, tăng cường gắn kết chặt chẽ ba “nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà DN trong các hoạt động GDNN; chú trọng nội dung phát triển GDNN, phát triển nhân lực có KNN trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN.

Thứ hai, triển khai nhiều chương trình, đề án, hoạt động gắn với đổi mới GDNN.

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH) chủ trì triển khai khung trình độ quốc gia về GDNN; xây dựng đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong GDNN, đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ KNN quốc gia.

Ban hành các chuẩn về người làm công tác đào tạo nghề nghiệp, đánh giá KNN tại các DN và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo các chuẩn được ban hành; ban hành danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo theo lộ trình để chuẩn hóa lực lượng lao động và hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ KNN quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi KNN ở các cấp; nghiên cứu, thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành hoặc nghề; đề xuất ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam”.

Thứ ba, khuyến khích các DN tham gia hoạt động GDNN. 

Khuyến khích thành lập cơ sở GDNN hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để nâng cao trình độ, KNN cho người lao động; khuyến khích DN phối hợp với cơ sở GDNN đào tạo các trình độ GDNN và chương trình đào tạo khác theo quy định của pháp luật; cử người có đủ điều kiện tham gia đào tạo, xây dựng danh mục ngành, nghề; tiêu chuẩn KNN quốc gia; chuẩn đầu ra; chương trình đào tạo... trong GDNN.

Đồng thời, thông tin, báo cáo chính xác, kịp thời về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động của DN; chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề hoặc có chứng chỉ KNN quốc gia ở một số ngành nghề theo quy định của pháp luật.

Tạo điều kiện cho cơ chế, chính sách trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp - 2

TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Duy Linh). 

Sớm đưa chính sách vào cuộc sống

TS Trương Anh Dũng thông tin thêm, ngay sau khi Chỉ thị 24 được ban hành, Bộ LĐ - TB và XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có kế hoạch triển khai Chỉ thị quan trọng này.

Cụ thể, Bộ LĐ - TB và XH đã ban hành Quyết định số 980/QĐ-LĐTBXH ngày 11-8-2020 để triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 24. Kế hoạch gồm bốn nhóm nội dung: Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển GDNN; Tăng cường công tác truyền thông trong GDNN; Nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN và Xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án về phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030.

Tổng cục GDNN đã ban hành Quyết định 607 ngày 21-9-2020 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quyết định 980/QĐ-LĐTBXH. Theo đó, Tổng cục GDNN đã triển khai bốn nhóm nội dung thành 24 nhiệm vụ cụ thể và phân công cho các vụ, đơn vị của Tổng cục triển khai thực hiện.

Cùng với các kế hoạch hành động cụ thể trên, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng ban hành các kế hoạch chi tiết để triển khai Chỉ thị này. Điều này cho thấy sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương. 

Toàn quốc hiện có gần 2.000 cơ sở GDNN. Tuy nhiên, một trong những khó khăn là đánh giá được nhu cầu của  thị trường lao động  hiện nay, hoặc trong 5-10 năm tới như thế nào. Trong Chỉ thị đặt ra là phải dự báo được những vấn đề này. Quy mô nhân lực qua đào tạo là bao nhiêu, cơ cấu ngành nghề, yêu cầu về năng lực ra sao. Từ đó, các trường tổ chức thiết kế chuẩn đầu ra, chương trình, tiếp tục đổi mới các điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo. Quan trọng hơn là hình thành sự gắn kết giữa nhà trường và DN.

Tạo điều kiện cho cơ chế, chính sách trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp - 3

TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Duy Linh).

Chuẩn hóa lực lượng lao động để hội nhập quốc tế

Về yêu cầu mà Chỉ thị 24 đưa ra là chuẩn hóa lực lượng lao động để hội nhập quốc tế, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định, về mặt quản lý, Chính phủ đã nhận thức vấn đề này sớm và rõ. Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1982/QĐ-TTg phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam. Khung này tương thích với chuẩn trình độ của khu vực ASEAN. 

Trong quá trình thực hiện, Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 24, tiếp tục nâng cao chất lượng chuẩn hóa trình độ của lực lượng lao động. Mục tiêu của Chỉ thị xác định rõ, quan điểm chủ trương cũng rất rõ ràng, nhưng để thực hiện, đòi hỏi có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.
Chỉ thị 24 quy định rõ trách nhiệm bộ, ngành địa phương từ Bộ LĐ - TB và XH; Bộ Giáo dục - Đào tạo tới các địa phương.

Để thực hiện tốt nâng cao trình độ tay nghề, chuẩn hóa tay nghề, kỹ năng của đội ngũ lao động có hai mức: Mức quốc gia và địa phương.

Ở mức quốc gia, với cơ quan quản lý, trong Chỉ thị 24 xác định rõ, Bộ LĐ - TB và XH có trách nhiệm thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về lao động việc làm và GDNN cần xây dựng một loạt quy định về thể chế, khung pháp lý, các quy định chuẩn KNN, triển khai các chương trình chuyên gia quốc tế trong nghề nghiệp gồm: đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên để đánh giá KNN của người lao động theo chuẩn.

Với các địa phương, Chỉ thị 24 quy định rõ, các địa phương có hai nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất là tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN. Thứ hai là khuyến khích DN tạo những cơ chế, chính sách sử dụng lực lượng lao động được đào tạo, cung cấp ra thị trường thông qua đào tạo. 

Địa phương cũng cần thống nhất quản lý phân luồng học sinh sau trung học phổ thông để các em học nghề lên bậc cao hơn. GDNN phải nâng cao năng lực, theo chuẩn khu vực và quốc tế. Đây là quy định khá toàn diện, nhưng để thực hiện, sẽ cần sự đồng bộ và toàn diện từ Trung ương tới địa phương.

Theo Ngân Anh (báo Nhân dân điện tử)

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tao-dieu-kien-cho-cac-co-che-chinh-sach-trong-hoat-dong-giao-duc-nghe-nghiep--621045/

  • Từ khóa

Tuyển sinh đại học năm 2025: Đón đầu nguồn nhân lực

Khởi động mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành/chương trình đào tạo mới nhằm đón đầu xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực.
15:48 - 16/01/2025
255 lượt xem

Số lượng trường ĐH ở các nước, vùng lãnh thổ: Nơi vài trường, nơi hàng ngàn

Bức tranh giáo dục sau phổ thông trên thế giới những năm qua khá sôi động khi chứng kiến nhiều ĐH lâu đời sáp nhập, nhiều ĐH mới thành hình. Đến hiện tại,...
14:55 - 16/01/2025
293 lượt xem

Những anh hùng 'cầm phấn' tại Burkina Faso

Burkina Faso, quốc gia nằm ở Tây Phi, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử.
10:36 - 16/01/2025
383 lượt xem

Giáo viên ở trường tự chủ thắc thỏm chờ thưởng Tết

Giáo viên ở 119 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội và khoảng 250 cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện, thị xã tại Hà Nội vẫn đang thắc thỏm chờ...
08:55 - 16/01/2025
440 lượt xem

Khó khăn dạy học tích hợp dần được tháo gỡ

Sau bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, khó khăn, vướng mắc khi phân công giáo viên, tổ chức dạy học môn tích hợp đã cơ bản được tháo gỡ...
07:38 - 16/01/2025
443 lượt xem