11
/
99080
Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế: Giáo dục đại học nỗ lực hội nhập
dao-tao-nhan-luc-trinh-do-quoc-te-giao-duc-dai-hoc-no-luc-hoi-nhap
news

Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế: Giáo dục đại học nỗ lực hội nhập

Chủ nhật, 18/10/2020 | 08:22:01
312 lượt xem

Để nâng cao chất lượng đào tạo và cải tiến liên tục, việc đánh giá chất lượng theo chuẩn kiểm định quốc tế được coi là chuẩn mực công nhận chất lượng và khẳng định vị thế của các trường đại học.

(Ảnh minh họa: Đức Hạnh/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Đức Hạnh/TTXVN)

Đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển và hội nhập, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đại học.

Để nâng cao chất lượng đào tạo và cải tiến liên tục, việc đánh giá chất lượng theo chuẩn kiểm định quốc tế được coi là chuẩn mực công nhận chất lượng và khẳng định vị thế của các trường đại học.

Tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế

Với vai trò tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học cả nước, từ năm 2007, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai đào tạo tiếp cận đầu ra theo định hướng chung của mạng lưới các trường Đại học ASEAN (AUN).

Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo được rà soát và hoàn chỉnh căn cứ trên yêu cầu thực tế. Các hoạt động dạy và học, đánh giá được thiết kế hệ thống giúp người học đạt chuẩn đầu ra của chương trình.

Đến nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang là một trong những cơ sở đào tạo dẫn đầu cả nước về các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo chuẩn kiểm định chất lượng của khu vực và quốc tế với 60 chương trình.

Tất cả các trường thành viên của đại học này đều đã đạt chuẩn kiểm định theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, trong đó 5 trường đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 trường đạt chuẩn AUN-QA (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á).

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đảm bảo chất lượng được xác định là nội dung cốt lõi trong tất cả hoạt động của một cơ sở đào tạo.

Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất mà thời gian qua Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo đuổi. Nếu công tác đảm bảo chất lượng thực hiện tốt, thì việc kiểm định cho đến tham gia các tổ chức xếp hạng sẽ thuận lợi hơn.

Với vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ đại học và sau đại học cho các tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng rà soát nhằm cải tiến chương trình đào tạo y khoa. Trường chủ động phối hợp chặt chẽ với các đại học hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực khoa học sức khỏe nhằm cải tiến chương trình.

Hiện Trường có 3 chương trình nằm trong dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Y khoa, Răng-Hàm-Mặt, Điều dưỡng. Cùng với đó, các chương trình đào tạo khác cũng được định kỳ bổ sung, điều chỉnh trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực quốc tế hóa các chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, kiểm định, quản trị đại học, tạo điều kiện tốt nhất cho người học sáng tạo và phát huy năng lực.

Hiện trường có 24 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài, với mạng lưới các trường đối tác trên thế giới. Mỗi năm, trường đưa và thu hút hơn 500 sinh viên học tập tại nhiều nước trên thế giới và sinh viên quốc tế học tại trường thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, du học chuyển tiếp, thực tập tại các công ty ở các quốc gia phát triển.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự luôn được nhà trường chú trọng, với hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài đang làm việc, giảng dạy và nghiên cứu. Đặc biệt, công tác kiểm định chất lượng trong và ngoài nước cũng được nhà trường đẩy mạnh.

Đến nay, trường đã đạt kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn quốc gia, 7 chương trình đạt chuẩn AUN-QA (Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á) và 4 chương trình đạt chuẩn quốc tế FIBAA (Thụy Sĩ).

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua, các trường đại học, cao đẳng tại Thành phố cũng đã đặc biệt quan tâm công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng chuẩn khu vực và quốc tế.

Thành phố có 106 ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Trong đó, 84 ngành đạt chuẩn quốc tế, 22 ngành đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về cấp độ trường, 38 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đạt chuẩn trong nước và quốc tế.

Phát huy nguồn lực các trường đại học

Là nơi tập trung nhiều trường đại học, việc phát huy nguồn lực các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên từ các trường đại học luôn được thành phố chú trọng thông qua nhiều chương trình, đề án hợp tác.

Phát huy nguồn lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong tham gia, phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác thực hiện nhiều chương trình nhằm giải quyết các vấn đề lớn của thành phố. Cụ thể, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành cùng thành phố trong việc thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giảm ô nhiễm môi trường; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; phát triển công nghiệp vi mạch.

Dao tao nhan luc trinh do quoc te: Giao duc dai hoc no luc hoi nhap hinh anh 1

(Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Trên cơ sở các nội dung hợp tác, Phó Giáo sư Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mỗi năm, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khoảng 20% đề tài, dự án do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố quản lý; đồng hành cùng thành phố trong nhiều dự án khoa học công nghệ mũi nhọn như công nghệ vi mạch, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học.

Cùng với đó, Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố được thành lập từ năm 2017 với hơn 50 thành viên là các trường đại học trên địa bàn, đã góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của thành phố, cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Theo đó, Hội đồng gồm 6 khối ngành, gồm: Sư phạm, sức khỏe, văn hóa-nghệ thuật-du lịch-xã hội và nhân văn, kỹ thuật-công nghệ, kinh tế, chính trị-pháp luật. Đây là mô hình đầu tiên được thực hiện trong cả nước, nhằm phát huy vai trò, nguồn lực của các trường đại học, đội ngũ giảng viên, chuyên gia cùng tham gia  thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Ủy ban Nhân dân thành phố đánh giá, Hội đồng Hiệu trưởng đi vào hoạt động đã góp phần tích cực vào quá trình triển khai thực hiện hiệu quả chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. Các trường đại học, cao đẳng là nơi quy tụ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Các nhà khoa học đã chú trọng nghiên cứu các vấn đề thực tiễn, làm cơ sở để thành phố nghiên cứu, ban hành các chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

Chia sẻ về những cơ hội, thách thức đặt ra đối với giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tại Lễ Khai khóa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng trong quá trình hội nhập quốc tế, hội nhập trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo đóng vai trò hết sức quan trọng; chú trọng việc áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn khu vực và quốc tế một cách có chọn lọc, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; từng bước hài hòa hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực Việt Nam với các tiêu chí, tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là so với các nước trong khu vực, mức độ công nhận của quốc tế về chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo, bằng cấp, các sản phẩm khoa học, công nghệ còn khiêm tốn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định thời kỳ chiến lược mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đang đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với công tác giáo dục đại học.

Các trường đại học cần trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất cần có của thế hệ trẻ Việt thời kỳ hội nhập, để trở thành “công dân toàn cầu,” “công dân ASEAN.”

Các trường cần tiếp tục tranh thủ và thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết giáo dục đại học với các nước trong khu vực và trên thế giới trên nền tảng công nghệ số./.

Theo Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/dao-tao-nhan-luc-trinh-do-quoc-te-giao-duc-dai-hoc-no-luc-hoi-nhap/669853.vnp

  • Từ khóa

Tuyển sinh đại học năm 2025: Đón đầu nguồn nhân lực

Khởi động mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành/chương trình đào tạo mới nhằm đón đầu xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực.
15:48 - 16/01/2025
245 lượt xem

Số lượng trường ĐH ở các nước, vùng lãnh thổ: Nơi vài trường, nơi hàng ngàn

Bức tranh giáo dục sau phổ thông trên thế giới những năm qua khá sôi động khi chứng kiến nhiều ĐH lâu đời sáp nhập, nhiều ĐH mới thành hình. Đến hiện tại,...
14:55 - 16/01/2025
284 lượt xem

Những anh hùng 'cầm phấn' tại Burkina Faso

Burkina Faso, quốc gia nằm ở Tây Phi, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử.
10:36 - 16/01/2025
374 lượt xem

Giáo viên ở trường tự chủ thắc thỏm chờ thưởng Tết

Giáo viên ở 119 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội và khoảng 250 cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện, thị xã tại Hà Nội vẫn đang thắc thỏm chờ...
08:55 - 16/01/2025
431 lượt xem

Khó khăn dạy học tích hợp dần được tháo gỡ

Sau bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, khó khăn, vướng mắc khi phân công giáo viên, tổ chức dạy học môn tích hợp đã cơ bản được tháo gỡ...
07:38 - 16/01/2025
438 lượt xem