11
/
99016
Học trực tuyến thử thách du học sinh mắc kẹt ở Việt Nam
hoc-truc-tuyen-thu-thach-du-hoc-sinh-mac-ket-o-viet-nam
news

Học trực tuyến thử thách du học sinh mắc kẹt ở Việt Nam

Thứ 6, 16/10/2020 | 10:05:01
274 lượt xem

Bị mắc kẹt trong nước vì dịch Covid-19, du học sinh Việt đang theo học các trường ĐH nước ngoài phải học trực tuyến để tiếp tục chương trình.

Du học sinh mắc kẹt tại Việt Nam do dịch Covid-19 đang học trực tuyến ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Đã có những câu chuyện lạ lùng xung quanh việc du học sinh (DHS) học trực tuyến từ Việt Nam theo giờ của các nước.

Học từ 22 giờ đến 5 giờ sáng

Phan Thiết Tường là sinh viên năm thứ 2 của ĐH Boston (Mỹ). Tường về Việt Nam từ tháng 3 và không biết đến khi nào mới có thể qua lại Mỹ. Không bảo lưu việc học nên Tường lựa chọn học trực tuyến theo lịch của trường với nhiều thử thách khi lệch múi giờ.

Tường cho biết học kỳ này sẽ học 7 môn qua ứng dụng Zoom. Nhưng việc học trực tuyến gây bất cập về thời gian, có đến 4 môn Tường học 2 ngày/tuần trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng.

“Đây là những môn học theo giờ cố định ở Mỹ nên không thay đổi được. Những giờ học đó rơi vào buổi chiều ở Mỹ, tương đương lúc đêm khuya đến rạng sáng ở Việt Nam. Điều này gây bất cập cho sinh viên quốc tế”, Tường cho biết.

Vì khi về nước, DHS có cả buổi sáng, chiều, tối không làm gì. Đến 21 - 22 giờ lại bắt đầu ngồi vào học tới sáng. Điều này gây rối loạn giấc ngủ khiến DHS thiếu ngủ, học tập không hiệu quả và cũng gây trở ngại việc làm bài, nộp bài, làm việc nhóm.

“Em chưa bị trục trặc ở môn học nào nhưng nhiều bạn gặp vấn đề này và có lẽ sắp tới cũng có thể em sẽ bị ảnh hưởng, cũng gặp trở ngại, mệt mỏi, buồn ngủ. Trong quá trình học, em nhận thấy đôi khi không hiệu quả”, Tường cho biết.

Cũng theo Tường, đối với sinh viên quốc tế, vì học trực tuyến qua ứng dụng Zoom, trường có tạo điều kiện ghi âm lại buổi học nếu gặp khó khăn vì lệch múi giờ. Vào ngày hôm sau, khi rảnh, sinh viên có thể lên lại ứng dụng để xem lại. Tuy nhiên, khi áp dụng học kiểu ghi âm này thì có nhiều bất cập. Đó là sinh viên không thể tương tác giáo viên và các bạn trong lớp. Khi học có những câu hỏi phát sinh không thể hỏi thẳng trực tiếp giáo viên. Điều này ảnh hưởng nhất định đến quá trình học. Ngoài ra, nếu đến giờ học trực tuyến, sinh viên không tham gia vào lớp học mà để sáng hôm sau mới xem lại thì tâm lý nhiều người sẽ không xem kỹ bài học. Nhiều sinh viên sẽ không sẵn sàng bỏ ra 1 - 2 tiếng đồng hồ liên tục chỉ để xem bài học mà không “tua” nhanh. Vì vậy, Tường không theo hình thức học theo ghi âm mà cố gắng lên lớp học trực tuyến hoàn toàn, dù gặp phải rất nhiều thử thách về lệch thời gian.

“Em thừa nhận học trực tuyến cũng có cái hay. Nhưng với những khó khăn trên, học trực tuyến sẽ gây trở ngại và có nhiều thử thách. Với nhiều sinh viên, chắc chắn sẽ học không hiệu quả bằng học trực tiếp tại trường”, Tường cho biết.

Tiến Đạt, du học sinh ĐH Deakin (Úc), cho biết mình và bạn bè cũng gặp nhiều vấn đề bất cập khi học trực tuyến. Đây là thời điểm đợt cuối làm bài tập môn học và thi cử nên khá căng thẳng và mệt mỏi. Chẳng hạn, giờ thi bên Úc thường là 8 giờ sáng thì du học sinh Việt Nam phải dậy từ 4 giờ sáng để làm bài. Ngoài ra, nếu thời hạn nộp bài vào 8 giờ tối ở Úc, có khi sinh viên nhầm lẫn thành 8 giờ tối ở Việt Nam.

Đạt cho biết có một người bạn là DHS ở Canada về Việt Nam tránh dịch phải dậy lúc 1 - 2 giờ sáng để học trực tuyến. Vì vậy, bố mẹ của DHS này đã quyết định chuyển con sang ĐH RMIT Việt Nam học vì thời gian học ở trường cũ không tiện lợi.

“Học trực tuyến đang gây ảnh hưởng với DHS nhiều nhất về múi giờ. Tháng này bọn em đang rất mệt mỏi, căng thẳng vì làm bài tập môn rất nhiều. Các bạn học về kinh doanh, nghiên cứu truyền thông, cần sự năng động cũng cảm thấy không quen khi phải thi trực tuyến. Một người bạn của em còn được giáo viên giao đề thi là viết 2.400 chữ và nộp trong vòng 1 ngày. Việc thi như vậy gây ra những sự bất tiện khá rõ”, Tiến Đạt chia sẻ.

Cơ hội thích nghi với thử thách

Nói về việc này, ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa - Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ, cho biết dịch Covid-19 ở Mỹ vẫn còn khá căng thẳng. Dự kiến các chuyến bay nước ngoài vào Mỹ đến tháng 12 mới có thể trở lại bình thường. Hy vọng đến lúc đó DHS mới và cũ có thể sang Mỹ học, vì theo dự kiến thời điểm này ở Mỹ có thể đã có vắc xin.

Theo ông Trần Thắng, DHS mới đăng ký học trong thời điểm này cũng như DHS cũ đang ở trong nước đa số sẽ học trực tuyến tại Việt Nam chứ chưa thể qua Mỹ. Tuy nhiên, việc học trực tuyến sẽ có một điều bất lợi là Mỹ cách Việt Nam 12 múi giờ. Vì vậy, khi trường ở Mỹ dạy thì học sinh Việt Nam lại phải học khuya. Chất lượng học trực tuyến cũng có thể giảm so với học tại trường vì học sinh Việt Nam không quen như học sinh Mỹ.

“Nhưng tình thế này cũng là một cơ hội. Cơ hội cho học sinh Việt Nam tập tính thích nghi, linh hoạt, uyển chuyển với mọi hoàn cảnh như học sinh Mỹ. Từ lâu nay, nhiều phụ huynh cho con đi du học nước ngoài nhưng lại có suy nghĩ không giống học sinh Mỹ. Họ chăm lo cho con quá tiện nghi. Việc du học hơn nhau ở ý thức, sự tự lập, biết thích nghi môi trường. Việc học trực tuyến cũng vậy. Học sinh ở Mỹ thức đến 2 - 3 giờ sáng để học là bình thường. Nếu e ngại về việc học trực tuyến mà không chọn học thì cũng không nên”, ông Trần Thắng nêu quan điểm.

Theo tiến sĩ Vũ Thế Dũng, sáng lập và điều hành đơn vị chuyên đào tạo trực tuyến Thinking School, với học trực tuyến, DHS đang học từ xa sẽ bị khó khăn khi lệch múi giờ. Tuy nhiên, là người tham gia giảng dạy trực tuyến, ông Dũng cho rằng điều này rất bình thường.

“Tất nhiên một số ngành học phải thực hành nhiều, cần tương tác trực tiếp nhiều sẽ có trục trặc. Nhưng nhiều trường ĐH lớn ở Mỹ, Úc hiện còn làm được chuyện mô phỏng hóa hoàn toàn trên máy tính y hệt như trong thực tế. Việc hỗ trợ việc học trực tuyến đang rất tốt. Tuy vậy, qua thực tế, cho thấy một kỹ năng thanh niên cần học trong thời đại này là kỹ năng thích nghi. Khi có một sự thay đổi xảy ra, thay vì ngồi một chỗ nói “đáng lẽ sự việc cần phải như cũ”, thì cần thích nghi với phương án tốt nhất. Nếu biết khai thác việc học trực tuyến thì rất tốt. Nhiều khi DHS ở nước ngoài 4 năm học nhưng đa số đều gặp thuận lợi cả chứ không có cơ hội thích nghi như hiện tại”, tiến sĩ Dũng chia sẻ.

Theo Đăng Nguyên/ Thanh Niên

https://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-truc-tuyen-thu-thach-du-hoc-sinh-mac-ket-o-viet-nam-1292217.html 

  • Từ khóa

Úc chấp nhận trở lại một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

Sau hơn 10 tháng từ chối để xét duyệt các cải tiến mới, chính phủ Úc đã chấp nhận trở lại chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT cho các mục đích thị thực (visa)...
10:52 - 08/05/2024
21 lượt xem

Đã trúng tuyển bằng học bạ có được xét thêm điểm thi tốt nghiệp THPT?

Trong giai đoạn xét tuyển sớm, nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng học bạ nhưng băn khoăn liệu sau khi thi tốt nghiệp THPT, muốn dùng điểm này để xét tuyển...
09:10 - 08/05/2024
66 lượt xem

Start-up Việt phát triển ứng dụng AI học tập được 300 trường học sử dụng

Start-up có tên Tomia phát triển ứng dụng học tập kết hợp AI và phương pháp giáo dục Montessori vốn được nhiều trường mầm non và phụ huynh sử dụng trong...
07:35 - 08/05/2024
110 lượt xem

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện...
16:26 - 07/05/2024
461 lượt xem

Thất nghiệp sau đại học gây nhức nhối tại Ấn Độ

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo thanh niên có trình độ học vấn ở Ấn Độ có tỷ lệ thất nghiệp cao.
14:18 - 07/05/2024
525 lượt xem