Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo (ĐH Hà Nội) Bùi Viết Toàn cho hay, năm nay, nhiều thí sinh điểm cao vẫn có thể trượt và nhiều thí sinh trúng tuyển đợt 1 vẫn không vui vẻ.
Do các trường nhóm trên, các ngành "hot" đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1 nên những đợt xét tuyển bổ sung sau dành cho những trường tốp giữa, tốp dưới hay những trường đào tạo kỹ thuật khó tuyển sinh.
Nhiều trường cố gắng chỉ xét tuyển bổ sung một lần, còn lại dù thiếu hay thừa thì cũng không muốn xét tiếp vì nhiều rủi ro. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng, năm nay có nhiều thí sinh điểm cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1 nên đây là cơ hội cho các trường khó tuyển sinh có được sinh viên giỏi.
Trong khi đó, chia sẻ trên tờ Tiền phong, ông Bùi Viết Toàn, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Hà Nội cho rằng, điều bất thường của năm nay là điểm cao vẫn có thể trượt.
"Theo tôi, việc thí sinh điểm cao vẫn trượt có thể từ các nguyên nhân: khâu tư vấn tại các trường THPT chưa tốt; thí sinh chủ quan chưa tìm hiểu kỹ; các trường ĐH cung cấp thông tin chưa đầy đủ, kịp thời, đôi lúc công bố cho có. Cho nên kể cả trúng tuyển đợt 1 vẫn có nhiều thí sinh không vui vẻ", ông Toàn nói.
Ông cho rằng, hết học kỳ I sẽ có nhiều sinh viên xin bảo lưu hoặc xin nghỉ học hẳn. Hàng năm, trường rà soát và phải loại 200 - 300 sinh viên sau khi hết năm thứ nhất vì nguyên nhân trên.
Tờ Tiền phong cũng dẫn lời PGS Đỗ Văn Dũng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM với nhận định, hàng năm có khoảng 10% thí sinh "rơi rụng" vì lý do chọn nhầm trường hoặc coi trường chỉ là bến đỗ tạm thời.
Ở thời điểm này, thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung phải nộp phiếu báo điểm thi tốt nghiệp THPT bản gốc, tức là chỉ có 1 cơ hội lựa chọn. Nếu trượt, thí sinh phải tiếp tục tìm cơ hội ở đợt xét tuyển sau (nếu các trường còn tuyển).
Theo VTV
https://vtv.vn/giao-duc/het-hoc-ky-i-se-co-nhieu-sinh-vien-xin-bao-luu-hoac-xin-nghi-hoc-han-20201014100522866.htm