Có lẽ đã đến lúc giáo dục đại học cần có những cách tiếp cận và phương pháp đánh giá mới để tránh lọt những ứng viên thực sự “đặc biệt” và “khác biệt”.
Những ngày vừa qua, dư luận bàn nhiều về Ngô Minh Hiếu - cậu học sinh thiếu 0,25 điểm để đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội. Trường hợp của em trở thành tâm điểm của sự chú ý bởi câu chuyện cảm động “10 năm cõng bạn đến trường”. Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ quyết định của Trường Đại học Y Hà Nội để đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh, không ít người cho rằng Hiếu xứng đáng được đặc cách bởi tấm lòng thiện, sự miệt mài và hi sinh của mình.
Giữa rất nhiều luồng ý kiến và tranh luận, chúng ta hãy thử quan sát sự thay đổi trong cách nhìn về tuyển sinh đại học tại Mỹ - một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới, và đồng thời nằm trong nhóm nước có lượng du học sinh Việt Nam theo học nhiều nhất.
Trước đây, trong một thời gian dài, thành tích cao tại các kỳ thi chuẩn hóa như SAT luôn được coi là chìa khóa quan trọng nhất trong hồ sơ ứng tuyển vào các đại học hàng đầu. Để ứng tuyển thì học sinh dù là người Mỹ hay ngoại quốc, đều cần phải lưu tâm đến các kỳ thi chuẩn hóa, bởi đây là một trong những yếu tố đầu tiên mà rất nhiều trường yêu cầu trong hồ sơ của học sinh ngoài bài luận và thư giới thiệu.
Tuy nhiên, trong mười năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu giáo dục tại Mỹ đã chỉ ra rằng: thành tích cao tại các kỳ thi chuẩn hóa không nhất thiết là chỉ dấu duy nhất cho sự thành công của học sinh khi học bậc đại học và cả khi đi làm. Các kỳ thi chuẩn hóa là chưa đủ để đánh giá tổng thể tiềm năng của ứng viên.
Linh động hơn trong quy trình tuyển sinh
Trên cơ sở đó, một số trường đại học đã có những dịch chuyển để linh động hơn trong quy trình tuyển sinh của mình. Báo cáo “Turning the Tide” do Trường Giáo dục Sau đại học Harvard công bố cho thấy, các trường cao đẳng và đại học trên khắp Mỹ đang xem xét kỹ lưỡng quy trình tuyển sinh mà nhiều người cho rằng còn tồn tại những thiếu sót lớn.
Do đó, một số trường đại học tại đã thử nghiệm các cách tiếp cận mới để tuyển sinh, tập trung nhiều hơn vào tính cách và động lực của sinh viên tương lai, thay vì chỉ xét điểm số. Nhiều trường đã và đang sáng tạo trong việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho tuyển sinh truyền thống.
Ví dụ, từ năm 2012, Đại học British Columbia bắt đầu yêu cầu ứng viên trả lời các câu hỏi về cá tính và các điểm mạnh (phi học tập) bên cạnh học bạ điểm trung học.
Trường Bard ở ngoại ô New York đưa ra một lộ trình nhập học hoàn toàn dựa trên việc nộp bốn bài luận nghiên cứu 2.500 từ, mô phỏng chặt chẽ hơn thực tế tư duy học tại bậc đại học.
Chương trình MBA của Chicago Booth chấp nhận một bản trình bày PowerPoint chỉ 4 slide thay vì một bài luận văn truyền thống.
Georgetown’s McDonough School of Business thử thách sinh viên đăng tweet giải thích lý do muốn theo học chương trình MBA của trường.
Học viện MIT mở cổng Creative Portfolio để ứng viên nộp bất cứ thứ gì các em sáng tạo được lên hồ sơ xin học, từ nhạc tự sáng tác, tranh vẽ, ảnh chụp, thơ ca đến các dự án khoa học, dự án xã hội.
Năm 2013, Trường Quản lý Rotman của Đại học Toronto là trường đầu tiên giới thiệu các bài kiểm tra xét tuyển qua video để đánh giá được sự đĩnh đạc và tác phong của các ứng viên. Sau đó trường Yale và Kellogg cũng đã đi theo xu hướng này.
Hơn 80 trường cao đẳng và đại học hàng đầu đã công bố thành lập Liên minh Tiếp cận, Khả năng Chi trả và Thành công, nhằm tạo ra những thay đổi trong quy trình tuyển sinh và đa dạng hóa các đối tượng sinh viên. Liên minh yêu cầu các cán bộ tuyển sinh đại học thực hiện ba bước chính sau đây để cải thiện quy trình tuyển sinh sao cho công bằng hơn:
- Thúc đẩy xem xét những đóng góp có ý nghĩa thông qua dịch vụ cộng đồng và các hoạt động vì lợi ích cộng đồng khác của học sinh.
- Đánh giá cách học sinh từ mọi chủng tộc, văn hóa, tầng lớp xã hội tham gia và đóng góp cho gia đình cũng như cộng đồng.
- Xác định lại định nghĩa “thành tích” theo cách “bình đẳng hoá sân chơi” cho các nhóm học sinh đa dạng về tiềm lực kinh tế, và giảm áp lực thành tích quá mức.
Trang tuyển sinh trên trang web của Đại học Wesleyan có nội dung: “Chúng tôi tin rằng sinh viên nên có quyền quyết định cách tốt nhất để trình bày bản thân trước hội đồng tuyển sinh và liệu kết quả các kì thi chuẩn hóa của các em có phản ánh chính xác khả năng học tập và các tiềm năng ẩn chứa”.
Triết lý này của Wesleyan cho phép sinh viên có tiếng nói trong việc họ muốn hội đồng tuyển sinh đánh giá sự xứng đáng của mình như thế nào. Và nhiều trường đại học khác cũng đang bắt nhịp theo hướng đánh giá tổng thể các “tiềm năng của học sinh” và đào tạo để “hiện thực hoá tiềm năng”, kể cả những tiềm năng ẩn chứa mà không thể đo lường được bằng thi cử, chẳng hạn như tính nhân văn, bác ái, khiêm tốn...
Quay lại câu chuyện tuyển sinh ở Việt Nam, có lẽ đã đến lúc giáo dục đại học cần suy nghĩ thêm về quy trình tuyển sinh để có những cách tiếp cận và phương pháp đánh giá mới, sáng tạo, linh hoạt hơn nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, công bằng, để tránh lọt những ứng viên thực sự “đặc biệt” và “khác biệt”.
Theo Ngô Huy Tâm/VietNamNet
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tuyen-sinh-dai-hoc-bang-diem-thi-co-the-de-lot-nhung-thi-sinh-khac-biet-679430.html