Những thay đổi trong phương thức tuyển sinh là một trong những yếu tố khiến điểm chuẩn đại học 2020 tăng cao kỷ lục.
Điểm chuẩn đại học 2020 tăng cao kỷ lục. Ảnh minh hoạ: Danh Nhân
Điểm chuẩn cao chót vót, 9 điểm/ môn vẫn trượt Đại học
Ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo điểm chuẩn đại học năm nay sẽ tăng cao so với năm ngoái.
Không ngoài dự đoán, nhiều trường Đại học top trên đã công bố mức điểm chuẩn cao kỷ lục, nhiều ngành tăng tới 4 - 5 điểm.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) gây choáng khi công bố điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học là 30 điểm.
Đây là số điểm tuyệt đối và "trong mơ" của nhiều thí sinh thi các khối ngành Xã hội. Bên cạnh đó, khoa Báo chí của trường cũng lấy mức điểm chuẩn 28,5 điểm/ 3 môn.
Tương tự, 36,75 điểm/ 4 môn, nghĩa là phải hơn 9 điểm một môn thí sinh mới có thể đỗ chuyên ngành Truyền thông marketing chất lượng cao Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Các nhóm trường Kinh tế cũng không ngoại lệ. Nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế Trường Đại học Ngoại thương cao nhất lên đến 28 điểm, cao hơn 1,8 điểm so với mức điểm chuẩn của năm ngoái.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có điểm chuẩn các ngành đều tăng từ 2-3 điểm và là một trong những trường điểm chuẩn cao nhất cả nước.
Điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin của trường có điểm chuẩn là 29,04 (tăng 1,36 điểm so với năm 2019).
Điểm chuẩn đại học tăng sốc, không ít các thí sinh 25 - 26 điểm vẫn trượt tất cả các nguyện vọng đăng ký. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn
Thầy cô lý giải nguyên nhân điểm chuẩn đại học tăng "sốc"
Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn - Phó Giám đốc Học Viện Báo chí và Tuyên truyền, có nhiều lý do khiến điểm chuẩn đại học 2020 tăng cao.
"Nhìn chung, điểm chuẩn năm nay các trường đại học năm nay đều cao hơn các năm trước, mức tăng dao động từ khoảng 1- 3 điểm.
Theo tôi điểm chuẩn cao do nhiều lý do. Thứ nhất, có thể do năm nay các bạn thí sinh có mặt bằng chung tốt, các bạn cũng có những sự chuẩn bị tốt về quá trình học tập cũng như việc trau dồi kiến thức.
Thứ hai, do năm nay đề thi tốt nghiệp THPT có mục đích xét tốt nghiệp là chính nên đề cũng có vẻ vừa sức đối với các em", PGS.TS Phạm Minh Sơn nói.
Cũng theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, một lý do quan trọng khác là các trường thay đổi phương thức tuyển sinh.
Ví dụ như Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng thêm chỉ tiêu xét tuyển thẳng với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, điều này cũng là nguyên nhân góp phần làm điểm chuẩn của phương thức xét tuyển dùng điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn hẳn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị, Công tác Học sinh sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc thay đổi phương thức tuyển sinh là nguyên nhân khiến điểm chuẩn đại học tăng mạnh.
"Theo điểm chuẩn các trường công bố, có nhiều ngành điểm chuẩn kỷ lục so với 2019 - 2018. Nhưng điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đề thi được điều chỉnh cho phù hợp với học sinh.
Một số trường có phương thức riêng bằng tuyển thẳng, xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, các bạn được tuyển thẳng đã được nhiều rồi thì chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ ít đi. Như vậy rõ ràng điểm trúng tuyển sẽ cao hơn", TS Nguyễn Thanh Bình nói.
Theo Linh Chi/Lao động
https://laodong.vn/giao-duc/ly-do-diem-chuan-dai-hoc-2020-tang-soc-la-gi-842412.ldo