Với điều kiện sân bãi thuận lợi, Trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8, TP.HCM) đã tạo sân chơi với nhiều môn thể thao ngoại khóa miễn phí đang được học sinh yêu thích.
Học sinh được tập võ tại Trường THPT Ngô Gia Tự ẢNH: PHẠM HỮU
Sau 3 năm triển khai, cứ đến chiều thứ tư, thứ năm mỗi tuần, hơn 1.500 học sinh (HS) của Trường THPT Ngô Gia Tự lại sôi nổi tham gia tập luyện nhiều môn thể thao bên trong trường.
Được chơi môn thể thao yêu thích
Cầm cây vợt bóng bàn vừa mới tập xong, Trịnh Lập Ý Thư, HS lớp 11B2, cho biết vừa mới tham gia lớp bóng bàn được 2 ngày. Trước đó Thư đã chơi môn cầu lông vào năm học lớp 10. Mục đích chuyển lần này vì em cảm thấy yêu thích môn bóng bàn nhiều hơn. Thời gian Thư tập cầu lông cũng giúp có nhiều trải nghiệm mới với thể thao. Do đã có năng khiếu về bóng bàn từ trước nên em quyết định chuyển qua để có thể tập nâng cao kỹ thuật hơn.
“Em cảm thấy vui và thú vị khi được tập luyện môn này tại trường thay vì phải đi ra bên ngoài. Nhờ vậy, mọi người biết được môn nào mình thích thì mình chuyển qua tập”, Thư nói.
Còn Nguyễn Thành Trung, học lớp 12A7, cho biết từ ngày áp dụng thể thao vào học đường, Trung rất thích tập luyện môn bóng đá. Nó giúp em vừa rèn luyện thể lực, tạo sự vui vẻ sau thời gian học tập ở lớp. So sánh về môn thể dục và thể thao ngoại khóa này, Trung nói: “Môn thể dục chỉ là vận động cơ thể có lúc cũng rất nhàm chán. Nhưng khi tập luyện đá bóng giúp em cảm thấy được giải trí nhiều hơn, có sự cạnh tranh trong môi trường thi đấu. Em chơi đá bóng được 3 năm rồi và cảm thấy mình giỏi hơn khi tập môn này”.
Thầy Lương Kim Sơn, Tổ trưởng bộ môn thể dục Trường THPT Ngô Gia Tự, nhận thấy môi trường thể thao học đường rất tốt cho HS, tạo sân chơi cho HS vừa thể hiện đam mê thể thao vừa rèn luyện sức khỏe. Riêng môn bóng chuyền luôn thu hút nhiều HS tham gia nhất. Cụ thể cứ vào giờ tập hoặc giờ chơi, HS đều mang bóng ra sân để tập. Ban đầu, môn bóng chuyền chỉ có 40 HS đăng ký nhưng đến nay đều tăng lên 70 HS cho mỗi ca tập luyện. “Do vậy, chúng tôi luôn cố gắng duy trì hoạt động này thường xuyên hơn. Qua đó cũng phát hiện một số nhân tố đặc biệt gửi đến quận hoặc thành phố để tham gia nhiều hoạt động tranh tài thể thao”, thầy Sơn nói.
Tìm nhân tố nổi trội cho thể thao
Thầy Hà Thanh An, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự, cho biết mô hình đưa các môn thể thao chuyên nghiệp và thông dụng vào trường cách đây hơn 3 năm. Theo đó, mô hình thể thao học đường này không mới, trường chỉ thực hiện theo chỉ đạo chung của Sở GD-ĐT TP.HCM đưa thể thao chuyên nghiệp vào trường tiếp cận với HS. Khi xây dựng đề án, trường được sự ủng hộ của tất cả giáo viên, phụ huynh. Trong đó có các môn được nhà trường áp dụng như: bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, võ, nhảy hiện đại, bóng bàn, bóng rổ.
Học sinh được dạy chuyên sâu với các môn thể thao trong trường PHẠM HỮU
May mắn cơ sở vật chất ở trường khá rộng rãi, nhiều khu vực chơi thể thao riêng biệt. Hầu hết diện tích sân đều được sử dụng cho HS tập luyện nên việc áp dụng các môn thể thao chuyên môn khá dễ. Trong những môn giáo viên thể dục cơ hữu của trường có thể dạy thì trường còn mời thêm nhiều huấn luyện viên chuyên nghiệp từ bên ngoài để kèm cặp cho các em. Để phù hợp cho việc tập luyện thể thao, trường xếp lịch vào 2 buổi chiều thứ tư và thứ năm. Sau đó HS sẽ tự do đăng ký tham gia tập các môn theo năng khiếu cá nhân. Việc tập luyện thể thao này hoàn toàn miễn phí với HS. Kinh phí hoạt động được trường trích từ nguồn kinh phí học buổi 2 của HS.
Cũng theo thầy An, mục đích mang thể thao vào học đường nhằm tạo sân chơi mới lạ cho HS, không làm cho HS bị nhàm chán bởi những giờ học chính thức. Ngoài ra, trường cũng đặt mục tiêu cho mỗi HS phải biết chơi một môn thể thao nhất định. Trong quá trình tập luyện trường cũng muốn tìm một vài nhân tố thể thao nổi trội tham gia nhiều giải thi đấu chuyên nghiệp hơn.
“Năm ngoái trường đã có nhiều HS được vào đội bóng rổ HS của thành phố tham gia giải toàn quốc đạt giải nhất. Nhờ vậy, nhiều em trong thời gian học cũng định hướng chọn ngành chọn nghề trong tương lai. Cụ thể có nhiều em được chọn và tuyển vào Trường ĐH Thể dục thể thao. Sau 3 năm vận hành, chúng tôi nhận thấy HS có sự gắn kết với nhau hơn, không còn nghịch phá hoặc phí thời gian vô bổ, tạo sự đam mê thể thao với HS”, thầy An chia sẻ.
Theo Phạm Hữu/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/giao-duc/mang-the-thao-chuyen-nghiep-vao-hoc-duong-1286846.html