11
/
98176
Làm rõ thông tin tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Liên tục bất hợp tác, làm khó cơ quan chức năng
lam-ro-thong-tin-tai-truong-dai-hoc-ton-duc-thang-lien-tuc-bat-hop-tac-lam-kho-co-quan-chuc-nang
news

Làm rõ thông tin tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Liên tục bất hợp tác, làm khó cơ quan chức năng

Thứ 4, 30/09/2020 | 09:12:02
275 lượt xem

Theo Quyết định 747 ngày 11.6.2008 của Thủ tướng Chính phủ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) là trường ĐH công lập trực thuộc Tổng LĐLĐVN. Do đó, TDTU phải nghiêm túc chấp hành các quyết định đối với đơn vị công lập như: Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... Tuy nhiên, với lý lẽ “không sử dụng một đồng ngân sách nào”, TDTU đã liên tục tỏ thái độ bất hợp tác, gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Nguồn: TDTU

Từ chối kiểm toán, “mặc cả” với cấp trên

Theo Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, khi nhận được yêu cầu kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), các cơ quan công lập bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc. Thậm chí tại Điều 8, hành vi “Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu” hoặc “Cản trở công việc của KTNN” còn bị coi là hành vi nghiêm cấm. Tuy vậy, TDTU đã liên tục tỏ thái độ bất hợp tác. Cụ thể, ngày 1.4.2016, KTNN ban hành Quyết định số 635 về kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước năm 2015 của Tổng LĐLĐVN, trong đó có cả đơn vị trực thuộc là TDTU.

Ngày 5.4.2016, Tổng LĐLĐVN có Văn bản số 470 gửi TDTU đề nghị trường chuẩn bị các nội dung, vật lực, nhân lực cần thiết để phục vụ công tác kiểm toán. Thế nhưng, ngay trong ngày 5.4.2016, trong văn bản phúc đáp số 455 gửi KTNN, TDTU đã gần như thẳng thừng từ chối việc kiểm toán.

Trường này cho biết, dù là trường công lập nhưng tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính, không nhận ngân sách Nhà nước kể từ khi thành lập đến nay, nên không rõ KTNN căn cứ trên cơ sở pháp lý nào để tiến hành kiểm toán.

Ngày 15.4.2016, Tổng LĐLĐVN tiếp tục có Văn bản số 537 gửi TDTU yêu cầu trường phải nghiêm túc thực hiện quyết định kiểm toán. Cùng ngày 15.4.2016, TDTU ra Văn bản số 520 gửi chung đến Tổng LĐLĐVN và KTNN đồng ý với quyết định kiểm toán. Tuy nhiên, trường này cũng “mặc cả” rằng chỉ cho kiểm toán đúng trong phạm vi của quyết định...

Sinh viên “cõng” hàng loạt khoản thu ngoài quy định

Trong đợt kiểm toán này, tại báo cáo ngày 15.7.2016, KTNN kiến nghị TDTU chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. Cụ thể, chấm dứt tình trạng để nguồn thu dịch vụ trông giữ xe (riêng năm học 2014-2015 thu hơn 4 tỉ đồng và chưa kê khai thuế TNDN và thuế GTGT) ngoài hệ thống sổ kế toán và báo cáo tài chính của cơ quan. Đồng thời, KTNN kiến nghị TDTU xử lý tài chính đối với khoản lệ phí nhập học không có trong quy định của Nhà nước, tính đến ngày 31.7.2015 là hơn 586 triệu đồng.

KTNN cũng đã phát hiện, trong tổng số hơn 6,1 tỉ đồng thu lệ phí, có tới gần 5,5 tỉ đồng TDTU thu ngoài quy định của Nhà nước như: Thu lệ phí thi tốt nghiệp 634 triệu đồng; hoặc một số khoản thu có tính chất dịch vụ như thu lệ phí sử dụng máy tính tại thư viện 114 triệu đồng; chênh lệch phí thi chứng chỉ MOS quốc tế hơn 4,7 tỉ đồng.

KTNN cũng xác định thuế TNCN của 47 cán bộ, từ trưởng bộ môn, trưởng phòng trở lên số thuế phải nộp tăng là hơn 1,1 tỉ đồng. Riêng Hiệu trưởng Lê Vinh Danh thiếu hơn 225 triệu đồng thuế TNCN trong năm 2015.

Từ chối cả yêu cầu của Bộ GDĐT

Không chỉ đơn vị kiểm toán “gặp khó” khi thực hiện nhiệm vụ tại TDTU, mà cơ quan quản lý nhà nước về mặt chuyên môn là Bộ GDĐT khi thực hiện các hoạt động thẩm định nhằm minh bạch, công khai thông tin của nhà trường đến học sinh, phụ huynh thì cũng bị trường này từ chối.

Cụ thể, năm 2017, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đã phải dùng từ “cá biệt” khi nói về TDTU. Lý do là, trong khi cả hệ thống tham gia thẩm định chất lượng theo yêu cầu của Bộ GDĐT thì trường này từ chối và không hợp tác thực hiện.

Theo Thông tư số 12/2017 của Bộ GDĐT quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, các trường đại học phải tham gia kiểm định chất lượng. Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT do Bộ GDĐT ban hành ngày 27.3.2017 cũng nêu rõ: Tất cả các cơ sở giáo dục đại học phải tham gia thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Cả hai hoạt động này đều bắt buộc các trường phải tham gia.Trong đó, kết quả thẩm định sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan như người học, nhà trường và cơ quan quản lý tham khảo. Việc này cũng nhằm minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu nhà trường. Những trường tham gia nhưng chưa được công nhận sẽ bị hạn chế quyền tự chủ, 3 năm liên tục không đạt chuẩn sẽ bị áp dụng chế tài hạn chế hoặc đình chỉ tuyển sinh.

Với những quy định này, việc tham gia thẩm định đã trở thành vấn đề “sống còn” với nhiều trường, giúp các cơ sở giáo dục đại học hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Có điều, trong khi các trường khác đều tham gia thì TDTU lấy nhiều lý do khác nhau để không hợp tác với Bộ GDĐT thực hiện việc thẩm định chất lượng.

Trả lời trên báo Dân Trí, đại diện TDTU đưa ra 2 lý do để từ chối thẩm định theo yêu cầu của Bộ GDĐT. Thứ nhất, trường đang thực hiện kiểm định theo các tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định quốc tế nên không thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước. Thứ hai, thời điểm đoàn công tác do Bộ GDĐT ủy quyền đến TDTU thẩm định thì nhà trường đã tiếp đoàn Thanh tra của Bộ GDĐT đến làm việc. TDTU cho rằng nếu Bộ GDĐT cần thì đoàn thẩm định có thể sử dụng lại kết quả của đoàn thanh tra.

Trước sự không hợp tác này, TS Lê Mỹ Phong - thời điểm năm 2017 là người phụ trách Kiểm định, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) - khẳng định, TDTU không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, hoạt động thanh tra. Việc trường này nói “Kiểm định trong nước thì trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm” là những nhận xét thiếu căn cứ, đi ngược lại với những nỗ lực đáng ghi nhận của tuyệt đại đa số các trường ĐH trong quá trình đổi mới.

Trên bảo, dưới không nghe!

Năm 2017, Đoàn Kiểm tra của Tổng Liên đoàn có kiến nghị TDTU dừng việc bổ nhiệm các chức danh chuyên môn (giáo sư, phó giáo sư, trợ lý...) của trường cho đến khi có ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, trong 2 năm (2017-2018), TDTU đã bổ nhiệm 20 trường hợp vào các vị trí trên. Bản thân ông Lê Vinh Danh sử dụng học hàm không hợp lệ (do đại học Preston- Bang California - Hoa Kỳ cấp) không được Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ và Bộ GDĐT Việt Nam công nhận).

Thiếu cầu thị, tiếp thu

Cuối năm 2017, đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Chủ nhiệm Phan Thanh Bình làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về tự chủ đại học của TDTU. Ngày 18.4.2019, đoàn công tác có Báo cáo số 1260 chỉ ra nhiều điểm nhà trường đạt được và cả những điểm chưa đạt được.Tuy nhiên, thay vì cầu thị tiếp nhận thông tin, hiệu trưởng Lê Vinh Danh đã gần như lập tức phản pháo bằng cách gửi thư trực tiếp lên Chủ tịch Quốc hội (có đóng dấu treo của trường).

Trong bức thư gửi đi, ông Danh cho rằng: “Đồng chí trưởng đoàn khảo sát đã không làm được điều mà lẽ ra đồng chí phải làm”, đồng thời vạch ra 7 điểm không hài lòng với bản báo cáo và nói “việc giải trình thêm này là để bảo vệ sự thật”!


Theo Báo Lao động

https://laodong.vn/giao-duc/lam-ro-thong-tin-tai-truong-dai-hoc-ton-duc-thang-lien-tuc-bat-hop-tac-lam-kho-co-quan-chuc-nang-840392.ldo 

  • Từ khóa

Tuyển sinh đại học năm 2025: Đón đầu nguồn nhân lực

Khởi động mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành/chương trình đào tạo mới nhằm đón đầu xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực.
15:48 - 16/01/2025
140 lượt xem

Số lượng trường ĐH ở các nước, vùng lãnh thổ: Nơi vài trường, nơi hàng ngàn

Bức tranh giáo dục sau phổ thông trên thế giới những năm qua khá sôi động khi chứng kiến nhiều ĐH lâu đời sáp nhập, nhiều ĐH mới thành hình. Đến hiện tại,...
14:55 - 16/01/2025
156 lượt xem

Những anh hùng 'cầm phấn' tại Burkina Faso

Burkina Faso, quốc gia nằm ở Tây Phi, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử.
10:36 - 16/01/2025
261 lượt xem

Giáo viên ở trường tự chủ thắc thỏm chờ thưởng Tết

Giáo viên ở 119 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội và khoảng 250 cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện, thị xã tại Hà Nội vẫn đang thắc thỏm chờ...
08:55 - 16/01/2025
317 lượt xem

Khó khăn dạy học tích hợp dần được tháo gỡ

Sau bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, khó khăn, vướng mắc khi phân công giáo viên, tổ chức dạy học môn tích hợp đã cơ bản được tháo gỡ...
07:38 - 16/01/2025
319 lượt xem