Các giáo sư của Đại học Cornell, Mỹ, chia sẻ cách giúp sinh viên, gồm cả du học sinh, vượt qua áp lực tài chính trong thời buổi suy thoái vì Covid-19.
Các giáo sư Scott Yonker, Byoung-Hyoun Hwang và Rich Curtis liệt kê 10 cách quản lý chi tiêu:
1. Giám sát chi tiêu bằng nền tảng trực tuyến Statusmoney.com
Giáo sư Hwang đề xuất sinh viên sử dụng nền tảng trực tuyến Statusmoney.com, ứng dụng cho phép bạn theo dõi và so sánh ẩn danh chi tiêu cá nhân với những người khác trong độ tuổi của bạn. Ứng dụng tài chính này làm nổi bật các khoản chi tiêu không cần thiết trong các hạng mục như xe cộ, nhà cửa, giáo dục và khuyến khích việc cắt giảm.
2. Tạo ra ngân sách và bám sát nó
Hãy thiết lập bảng tính ngân sách, liệt kê tất cả khoản thu nhập, chi phí chính hàng tháng và cố gắng giữ cho các khoản chi ít hơn thu nhập. Bạn nên theo dõi chi phí hàng tuần, hàng tháng và hàng năm để xem liệu chúng có nằm trong ngân sách hay không.
3. Phân biệt "muốn" và "cần"
Bạn cần thực phẩm và y tế, nhưng có thể không cần pizza 4 tối một tuần hay những thiết bị điện tử đắt đỏ. Phân biệt "muốn" và "cần" là cách rất tốt để hạn chế những chi tiêu không thiết thực.
4. Hãy chọn thẻ tín dụng một cách thông minh
Điều đầu tiên khi chọn loại thẻ tín dụng là xem các loại phí định kỳ của nó. Hãy dùng loại thẻ không có phí định kỳ, lãi suất thấp và có thưởng ở những mục mà bạn chi tiêu nhiều.
Nếu bạn trả hết số nợ hàng tháng, lãi suất sẽ không liên quan và điều này còn có thể giúp bạn xây dựng thứ hạng tín dụng tốt, giảm lãi suất cho các khoản vay trong tương lai, chẳng hạn mua ôtô hoặc nhà. Bạn có thể dùng thẻ Discover như thẻ "Discover It Student Cash Back" và "Discover It Student Chrome".
Ảnh: The New York Times.
5. Cân nhắc gói vay Stafford của chính phủ
Nếu đang có hóa đơn tín dụng lớn hoặc những khoản chi gấp, bạn có thể xem xét gói vay Stafford. Sinh viên không phải trả lãi suất cho gói vay này cho đến khi tốt nghiệp.
6. So sánh giá tiền giữa các cửa hàng
Cho dù là thẻ tín dụng, bảo hiểm y tế hay bảo hiểm thuê nhà, hoặc thậm chí là mua khoai tây ở cửa hàng tạp hóa, hãy chắc chắn rằng bạn đã so sánh chéo các mức giá để có được ưu đãi tốt nhất. Có rất nhiều loại giá cho mỗi mặt hàng, từ thực phẩm cho đến đồ điện tử. Bạn không cần thiết phải dùng những thứ đắt tiền để phục vụ học tập.
7. Tìm kiếm việc làm online
Việc chuyển đổi sang làm việc từ xa giúp sinh viên cạnh cơ hội làm việc xuyên quốc gia. Ví dụ một công ty của Đức muốn tuyển nhân sự, họ có thể tuyển sinh viên ở Mỹ để làm việc từ xa mà không cần phải xin visa để sang Đức. Đây thực sự là một cơ hội lớn đối với rất nhiều sinh viên.
8. Lập một quỹ khẩn cấp
Giáo sư Curtis đã chia sẻ cho sinh viên trong tiết học tài chính rằng "hãy cố gắng xây dựng quỹ chi tiêu từ 3 đến 12 tháng bằng cách tiết kiện ít nhất từ 10% đến 15% lương trước thuế". Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một "chiếc đệm tiền mặt", đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch.
"Bạn có thể bắt đầu từ quy mô nhỏ. Thậm chí là dành ra chỉ 10 đến 20 đôla mỗi tuần cũng có thể giúp bạn có thói quen tiết kiệm. Khi thu nhập tăng lên theo thời gian, bạn có thể tăng số tiền tiết kiệm hàng tuần của mình", ông nói.
9. Tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các chương trình liên bang
Các chương trình liên bang như Hỗ trợ thất nghiệp đại dịch (PUA) - theo Đạo luật CARES - mang đến các gói phúc lợi cho sinh viên, những người thường không đủ điều kiện nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp. Tổng số tiền hỗ trợ có thể lên đến 800 đôla mỗi tuần.
Nếu bạn đủ điều kiện cho những chương trình như PUA thì nên tận dụng nó. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn hiểu các quy định của chương trình này.
10. Nếu bạn đang gặp khó khăn, hãy trình bày nguyện vọng
Hãy trình bày với cố vấn của bạn, dịch vụ sinh viên hoặc văn phòng hỗ trợ tài chính ở trường hoc. Cuộc sống không thể lường trước được bất cứ điều gì. Có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ cho sinh viên, nhưng cần thông báo cho giảng viên và nhân viên nhà trường biết khi gặp khó khăn trong học tập hoặc vấn đề cá nhân.
Theo Thu Hà/VnExpress (nguồn Cornellsun)
https://vnexpress.net/10-cach-tiet-kiem-khi-du-hoc-thoi-covid-19-4168575.html