Điểm trường Nà Xoong không có mạng Internet, dụng cụ học tập tối thiểu theo quy định mới chưa được cấp phát, không có máy chiếu và màn hình tivi - những dụng cụ bắt buộc để hỗ trợ học sinh học tập.
Dù đã có bước chuẩn bị từ sớm cho việc dạy học Chương trình Giáo dục Phổ thông mới đảm bảo theo đúng tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện, nhưng thực tế việc triển khai tại nhiều điểm trường ở các xã đặc biệt khó khăn vẫn còn những gian nan do tình trạng thiếu các hạ tầng thông tin cơ bản và các dụng cụ học tập tối thiểu cho lớp 1 mới.
Điểm trường Nà Xoong, xã Đồng Thăng có 7 học sinh lớp 1 là con em dân tộc thiểu số.
Giờ học môn toán của học sinh lớp 1 tại điểm trường Nà Xoong, Trường tiểu học Đồng Thắng – xã đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn có 7 học sinh. Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, để bắt đầu học môn toán, các em học sinh sẽ làm quen với những con số bằng tranh ảnh, mô hình nhiều màu sắc nhằm gây ấn tượng dễ nhớ, dễ hiểu nhất.
Tuy nhiên, điểm trường Nà Xoong không có mạng Internet, dụng cụ học tập tối thiểu theo quy định mới chưa được cấp phát, không có máy chiếu và màn hình tivi - những dụng cụ bắt buộc để hỗ trợ học sinh học tập.
Để khắc phục hoàn cảnh, cô giáo Bế Thị Liên, Chủ nhiệm lớp 1, Điểm trường Nà Xoong đã thiết kế bài giảng trên những bộ đồ dùng học tập của chương trình giáo dục cũ.
Các lớp 3, 5 thực hiện học ghép tại 1 phòng chờ và 1 nhà văn hóa của thôn để nhường lớp cho các em học sinh lớp 1 học 2 buổi/ ngày.
Năm học này, Trường tiểu học Đồng Thắng, huyện Đình Lập thiếu 2 phòng học nhưng vẫn tạo điều kiện tốt nhất để 7 em học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các lớp 3, 5 thực hiện học ghép tại 1 phòng chờ và 1 nhà văn hóa của thôn. Phòng hiệu bộ của các thầy giáo, cô giáo là trụ sở UBND xã cũ....
Cô Vũ Thị Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Thắng, huyện Đình Lập nói: "Hiện nay, tại xã chưa có mạng Internet, nên việc ứng dụng công nghệ vào dạy học phổ thông mới của trường gặp nhiều khó khăn. Muốn cập nhật, tải các clip thì các cô phải xuống thị trấn Đình Lập cách đây gần 30 cây số đường rừng nhưng ở đây do đi lại khó khăn nên giáo viên ở lại điểm trường từ thứ 2 đến thứ 6 mới về".
Bà Ninh Thị Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết: dù điều kiện giảng dạy còn nhiều khó khăn nhưng các cô giáo luôn tìm ra những biện pháp để có thể truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất tới học sinh: “Trong điều kiện khó khăn chúng tôi cũng chỉ đạo đội ngũ giáo viên linh hoạt trong việc áp dụng những quy định như việc chọn ngữ liệu phù hợp với bài giảng và làm đồ dùng dạy học. Trước mắt vẫn có thể sử dụng thiết bị đồ dùng học tập của chương trình giáo dục hiện hành với lớp 1. Còn trong thời gian tới có những bài giảng cần sự sáng tạo thì giáo viên phải có sự chủ động, chuẩn bị".
Việc thiếu các thiết bị thiết bị dạy học tối thiểu theo Thông tư 05 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là thiếu hạ tầng thông tin thiết yếu tại các vùng khó khăn sẽ làm giảm đi hiệu quả của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhất là các môn có sử dụng những hình ảnh trực quan, clip sinh động như môn Đạo đức, hoạt động trải nghiệm...vốn hình thành những phẩm chất đạo đức, nhân cách cho học sinh lớp 1 mà những bộ sách trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới hướng tới.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết UBND tỉnh Lạng Sơn đã bố trí 25 tỷ mua đồ dùng thiết yếu theo thông tư 05 của Bộ nhưng mới đáp ứng được 41/55 danh mục: “Việc cung ứng thiết bị tối thiểu cho lớp 1 chưa kịp đầu năm học do nhiều nguyên nhân trong đó có việc nguồn vốn chưa đầy đủ cho tất cả các danh mục và quy trình đầu tư theo quy định. Chúng tôi phấn đấu cuối tháng 9 này sẽ cấp phát cho các trường. Nhưng đối với thiết bị bổ sung ưu tiên cho hơn 200 trường thuộc các vùng khó, vùng đặc biệt khó khăn thì UBND tỉnh Lạng Sơn có bố trí khoảng 10 tỷ để mua, cấp phát đủ 55 danh mục theo quy định nhưng cũng phải giữa tháng 10 mới có được".
Chương trình giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng giúp những thế hệ học sinh phát triển toàn diện về năng lực, hướng đến là những công dân toàn cầu trong tương lai. Vậy nên cần có sự đầu tư đúng mức để đảm bảo hiệu quả của chương trình và giảm bớt những gian nan, vất vả của các thầy giáo, cô giáo đang từng ngày gieo chữ trên những mảnh đất khó./.
Theo Vũ Miền/VOV
https://vov.vn/xa-hoi/thieu-dung-cu-hoc-tap-thiet-yeu-cac-thay-co-giao-vuot-kho-mang-con-chu-toi-vung-cao-779367