11
/
96745
Vì sao điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh luôn “bét bảng”?
vi-sao-diem-thi-tot-nghiep-thpt-mon-tieng-anh-luon-bet-bang
news

Vì sao điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh luôn “bét bảng”?

Thứ 3, 01/09/2020 | 14:39:33
334 lượt xem

Một số chuyên gia cho rằng, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh thời gian qua luôn “bét bảng” vì việc cải thiện năng lực ngoại ngữ cần quá trình lâu dài, bền bỉ.

Năm 2020, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh tiếp tục đứng vị trí “bét bảng” với điểm trung bình 4,58, số lượng học sinh đạt điểm dưới 5 chiếm 63,13%.

Theo TS Vũ Thị Thanh Nhã - Trưởng khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên nhân do chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12) chưa được triển khai đại trà trên cả nước, nhiều địa phương chưa đủ điều kiện triển khai chương trình này.

Thực tế theo phân tích của Bộ GD&ĐT, trung bình điểm bài thi môn tiếng Anh của học sinh theo học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm cao hơn khoảng 2 điểm so với bài thi môn này của học sinh học tiếng Anh hệ 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12).

Như vậy, khi tỷ lệ học sinh cả nước được học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 tăng lên, dự kiến điểm thi trung bình của môn học này sẽ dần cải thiện.

Vì sao điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh luôn “bét bảng”? - 1

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 môn tiếng Anh. 

Một nguyên nhân khác khiến điểm thi môn tiếng Anh năm nay vẫn thấp, theo TS Nhã, do đề thi có những câu hỏi khó nhằm mục tiêu phân loại thí sinh.

So với mặt bằng chung học sinh cả nước, đặc biệt với học sinh khu vực nông thôn và miền núi, yêu cầu của các câu hỏi này là hơi cao.

Ngoài ra, do tâm lý của phần lớn thí sinh dự thi môn tiếng Anh là chỉ để xét tốt nghiệp THPT nên các em ít đầu tư học tập và dành thời gian cho các môn tuyển sinh đại học khác. Điểm thi môn tiếng Anh do đó thấp hơn các môn còn lại.

PGS. TS. Phạm Thị Hồng Nhung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế phân tích thêm, không giống những môn khoa học khác, để cải thiện năng lực ngoại ngữ cần một quá trình lâu dài và bền bỉ.

Đây là đặc điểm đã được ghi nhận trong cơ sở lý luận về tiếp thụ ngoại ngữ.

Vì thế không nên trông đợi các nỗ lực cải thiện năng lực ngoại ngữ chung của người học có hiệu quả ngay trong một vài năm, hay khi giáo viên được cải thiện năng lực thì lập tức có hiệu quả trên kết quả của người học.

Cùng chia sẻ quan điểm với PGS. TS. Phạm Thị Hồng Nhung, cô giáo Lê Thị Tâm, giáo viên môn tiếng Anh trường THTPT Hàm Nghi (Hà Tĩnh) cho rằng, tiếng Anh là môn học đường dài, cần đầu tư và cần có cái “gốc”.

“Việc nâng chất lượng học Ngoại ngữ không phải lập tức có hiệu quả ngay được.

Đặc biệt, với những trường hợp đã mất gốc khi học tiếng Anh, các em phải rất chật vật mới có thể đạt mức điểm “tàm tạm” khi thi tốt nghiệp THPT”, cô Tâm nói.

Vì sao điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh luôn “bét bảng”? - 2

Nhiều học sinh không được tiếp cận tiếng Anh từ sớm mà chỉ bắt đầu học bài bản khi lên cấp 2, thậm chí cấp 3 nên mất gốc nhiều.

Một giáo viên trường THTPT Hàm Nghi (Hà Tĩnh) cho rằng, không nên so sánh điểm thi môn tiếng Anh với các môn học khác bởi tiếng Anh là môn học vô cùng đặc thù.

Thứ nhất, sự khác biệt lớn giữa học và thi. Hiện nay việc dạy và học đang hướng theo phát triển và đánh giá năng lực, tăng cường kỹ năng nói - viết, khuyến khích giao tiếp.

Trong khi đó, việc thi hiện nay mới giới hạn ở mức kiểm tra từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu.

Thứ hai, điều kiện kinh tế xã hội tại nhiều khu vực của đất nước còn hạn chế; nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của môn tiếng Anh chưa đầy đủ nên thiếu đầu tư về thời gian và nỗ lực cho môn học này.

Cuối cùng quan trọng nhất là vì nhiều học sinh không được tiếp cận tiếng Anh từ sớm mà chỉ bắt đầu học bài bản khi lên cấp 2, thậm chí cấp 3 nên mất gốc nhiều.

Đánh giá việc học tiếng Anh của học sinh Việt Nam thời gian gần đây đã có nhiều tiến bộ nên Giám đốc học thuật Trung tâm tiếng Anh Language Link - ông Gavan Iancono cho rằng có nguyên nhân đến từ việc học sinh phải học online nhiều trong học kỳ II năm học vừa qua, khiến kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh không cao.

Do đặc thù môn học là việc học và ôn cần sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau, không chỉ ở những kỹ năng nghe nói mà còn với kỹ năng đọc hiểu, kiến thức ngôn ngữ như từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm.

Khi học online, sự tương tác đó bị ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là các học sinh vùng nông thôn, miền núi, vùng điều kiện khó khăn nhiều nơi còn không đảm bảo việc dạy-học trực tuyến.

Theo Nguyễn Quỳnh/ Dân Trí

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vi-sao-diem-thi-tot-nghiep-thpt-mon-tieng-anh-luon-bet-bang-20200901112258407.htm

  • Từ khóa

Những anh hùng 'cầm phấn' tại Burkina Faso

Burkina Faso, quốc gia nằm ở Tây Phi, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử.
10:36 - 16/01/2025
128 lượt xem

Giáo viên ở trường tự chủ thắc thỏm chờ thưởng Tết

Giáo viên ở 119 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội và khoảng 250 cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện, thị xã tại Hà Nội vẫn đang thắc thỏm chờ...
08:55 - 16/01/2025
171 lượt xem

Khó khăn dạy học tích hợp dần được tháo gỡ

Sau bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, khó khăn, vướng mắc khi phân công giáo viên, tổ chức dạy học môn tích hợp đã cơ bản được tháo gỡ...
07:38 - 16/01/2025
182 lượt xem

Hà Nội: Trường THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây thành trường chuyên

Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây đã có quyết định trở thành trường THPT chuyên thay vì trường THPT công lập có lớp chuyên như hiện nay.
15:41 - 15/01/2025
574 lượt xem

Thi IELTS trên máy tính, cần lưu ý gì?

Theo thông báo từ cả Hội đồng Anh và IDP, hình thức thi IELTS trên giấy chính thức sẽ bị "khai tử" ở Việt Nam từ sau ngày 29-3-2025, chỉ còn duy nhất hình...
14:21 - 15/01/2025
608 lượt xem