Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo thông tư ban hành quy định về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học để xin góp ý dư luận.
Dự thảo thông tư này khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 của Bộ trưởng GD-ĐT ban hành về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo dự thảo này, khối lượng học tập đối với từng trình độ giáo dục đại học và tên văn bằng tốt nghiệp như sau:
Khối lượng học tập đối với từng trình độ giáo dục đại học không bao gồm Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh
Cấu trúc chương trình đào tạo trình độ đại học, chuyên sâu đặc thù gồm nội dung giáo dục đại cương và nội dung giáo dục chuyên nghiệp. Nội dung giáo dục chuyên nghiệp bao gồm: nội dung cơ sở ngành, nội dung ngành chính, nội dung ngành phụ (nếu có), nội dung nghiệp vụ sư phạm (đối với chương trình đào tạo giáo viên), nội dung bổ trợ và khóa luận tốt nghiệp (nếu có).
Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định tỷ lệ số tín chỉ tự chọn trong nội dung ngành chính, nội dung ngành phụ hoặc kiến thức bổ trợ của chương trình đào tạo.
Cấu trúc chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ gồm nội dung học tập về chuyên ngành và hướng chuyên sâu để phát triển và áp dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nghề nghiệp của người học.
Cấu trúc chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ gồm nội dung học tập về chuyên ngành và hướng chuyên sâu để phát triển khoa học, công nghệ thông qua suy luận khoa học và nghiên cứu trong lĩnh vực nghề nghiệp của người học
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Dự thảo cũng quy định rõ về quy trình thẩm định và ban hành chương trình đào tạo. Hội đồng thẩm định có ít nhất 5 thành viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đúng ngành, chuyên ngành đào tạo với chương trình cần thẩm định; trong đó có ít nhất một người đại diện cho các đơn vị sử dụng lao động sau đào tạo; các thành viên Tổ soạn thảo không tham gia Hội đồng thẩm định.
Khuyến khích các cơ sở đào tạo mời giảng viên có uy tín của các trường đại học nước ngoài tham gia hội đồng thẩm định chương trình.
Các cơ sở phải thực hiện công khai chương trình đào tạo trước khi bắt đầu mỗi khóa học trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.
Các nội dung công khai thông tin về chương trình đào tạo bao gồm: thông tin về khóa học, điều kiện tuyển sinh, chuẩn đầu ra, địa điểm và thời gian khóa học, cơ chế đăng ký học tập và công nhận kết quả học tập, cơ chế chuyển đổi tín chỉ, lộ trình học tập, đánh giá, văn bằng, đạo đức học thuật, sở hữu trí tuệ, việc rút hoặc hủy đăng ký nhập học và điều kiện đăng ký thực hành, thực tập (nếu có); danh sách giảng viên tham gia giảng dạy học phần của chương trình đào tạo...
Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý cho dự thảo này đến hết ngày 30/9/2020.
Theo quy định hiện hành của Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học quy định cụ thể như sau: 1. Trình độ đại học: 120 tín chỉ. Đối với những ngành có thời gian đào tạo 5 năm hoặc 6 năm thì khối lượng kiến thức tích luỹ tối thiểu tương ứng là 150 hoặc 180 tín chỉ. 2. Trình độ thạc sĩ: 60 tín chỉ. Đối với những ngành/ chuyên ngành ở trình độ đại học tương ứng có khối lượng kiến thức tối thiểu tích lũy từ 150 tín chỉ trở lên thì khối lượng kiến thức tối thiểu trình độ thạc sĩ là 30 tín chỉ. 3. Trình độ tiến sĩ: 90 tín chỉ đối với người tốt nghiệp thạc sĩ, 120 tín chỉ đối với người tốt nghiệp đại học. |
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/de-xuat-chuan-chuong-trinh-dao-tao-dai-hoc-thac-si-666584.html