Mở cửa trường học trở thành vấn đề nhận được sự chú ý đặc biệt từ dư luận và sự quan tâm cao của giới khoa học trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến còn nhiều phức tạp.
Khi dần bắt đầu thực hiện lộ trình tái mở cửa, các quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong phạm vi nhà trường. Dù vậy, cho đến nay, vẫn không một biện pháp nào có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi trở lại lớp học.
Mở cửa trường học trở thành vấn đề nhận được sự chú ý đặc biệt từ dư luận và sự quan tâm cao của giới khoa học trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến còn nhiều phức tạp.
Hiện tại, giới khoa học vẫn chưa đưa ra bất cứ số liệu tiêu chuẩn chính thức nào để đánh giá, phân loại tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng trong một khu vực.
Tại Mỹ, các nhà dịch tễ học cho rằng một khu vực hàng ngày có hơn 25 trường hợp nhiễm mới với mỗi 100,000 người là một khu vực nằm ở tình trạng “báo động đỏ” và nhà chức trách cần cân nhắc nghiêm túc việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại những khu vực này, bao gồm việc duy trì đóng cửa các trường học và chuyển đổi hình thức giảng dạy.
Ảnh minh hoạ: Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào trường. (Ảnh: Như Ý)
Trái ngược với những trường hợp nhiễm bệnh ở các nhóm tuổi khác, phần lớn các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở trẻ em có triệu chứng nhẹ, ít xuất hiện biến chứng phức tạp trong quá trình điều trị và có khả năng phục hồi cũng tốt hơn so với người trưởng thành.
Theo công bố của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, chỉ khoảng 2% số ca mắc COVID-19 là các trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi. Trong khi đó, tại quốc gia khởi phát đại dịch - Trung Quốc, tỉ lệ này cũng chỉ đạt 2,2%. Các số liệu tham khảo tại các quốc gia châu Âu cũng chỉ rơi vào khoảng 1,5%.
Dựa trên số liệu của những nghiên cứu đã được tiến hành, các nhà khoa học từ nhiều quốc ra cũng đưa ra nhận định chung rằng các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở trẻ em này thường ít nghiêm trọng hơn so với các nhóm tuổi khác.
Giả thuyết chính giải thích tại sao người trường thành nhiễm SARS-CoV-2 có quá trình nhiễm bệnh nặng hơn so với trẻ nhỏ tập trung vào sự phân bố của thụ thể ACE2 - đồng thụ thể cho sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 vào cơ thể. Ở trẻ em, thụ thể chủ yếu tập trung tại mũi và phần trên hệ hô hấp, trong khi đó ở người trưởng thành phần lớn thụ thể ACE2 nằm trong phổi.
Khi tiến hành nghiên cứu những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại một bệnh viện ở Geneva, Thuỵ Sĩ, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các chỉ có 3 ca trong tổng số 39 trường hợp dương tính trong các gia đình có liên quan tới các bệnh nhi nhỏ tuổi.
Một nghiên cứu mới khác tiến hành bởi nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc đã chỉ ra rằng: Trẻ em dưới 10 tuổi có khả năng truyền bệnh cho người khác ít hơn nhiều so với người lớn. Còn nhóm trong độ tuổi từ 10 đến 19 thì lại có khả năng lây nhiễm cao tương đương với người trưởng thành.
Bình luận về kết quả này, phó giáo sư dịch tễ học William Hanage, tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Harvard giải thích trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn có thể là do trẻ em hô hấp với lượng không khí ít hơn so với người trưởng thành- và do đó không khí chứa ít vi rút hơn - hoặc do chúng thở ra không khí đó gần mặt đất hơn, khiến người lớn ít hít vào.
Tuy nhiên, cộng đồng khoa học điều đồng quan điểm rằng những số liệu đưa ra chưa thể khẳng định chắc chắn cho điều gì, nguy cơ lây nhiễm chéo trong trẻ em vẫn là vô cùng cao.
Nghiên cứu mới nhất được các nhà khoa học tại Chicago, Mỹ công bố trên Tạp chí Nhi khoa JAMA chỉ ra rằng nhóm trẻ em từ 10 – 18 tuổi có số lượng virus trong hệ hô hấp tương đương với người trưởng thành mang bệnh, trong khi đó với nhóm trẻ em dưới 5 tuổi lượng virus có thể nhiều hơn từ 10 đến 100 lần so với các nhóm khác.
Một ví dụ đáng chú ý về việc mở cửa trường học đó là khi học sinh, sinh viên trở lại trường học tại Đức vào cuối tháng năm, tỷ lệ lây nhiễm dường như không tăng trong nhóm giáo viên và nhân viên các nhà trường, thế nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh đã tăng mạnh ở học sinh.
Cũng giống với những kết quả nghiên cứu khả quan đã đề cập, những phát hiện mang tính cảnh báo này cũng không thể khẳng định trẻ em có khả năng lây truyền virus cao hơn và là nguy cơ tiềm ẩn với cộng đồng. Nhưng những kết quả nghiên cứu này đã tiếp tục thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và là nguồn tham khảo quý giá cho các nhà hoạch định chính sách trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo Trần Bảo Sơn/ Tiền Phong
https://www.tienphong.vn/the-gioi/mo-cua-truong-hoc-bai-toan-dau-dau-voi-moi-quoc-gia-tren-the-gioi-1703182.tpo