Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với ban chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành, nhiều vấn đề được đặt ra, hầu hết đều liên quan tới dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp tới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Giãn cách tối đa, tách tổ chấm thi tốt nghiệp
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm nay toàn thành phố có 115 điểm thi.
Tại các điểm thi đều có phòng thi dự phòng để cách ly để tổ chức thi cho các thí sinh thuộc diện F1.
TPHCM lên phương án dự phòng cả điểm thi mới là trường trung học cơ sở để phòng trường hợp số thí sinh diện F1 quá lớn có thể tách riêng điểm thi để đảm an toàn.
Cũng theo ông Đức, TPHCM có số lượng bài thi rất lớn, cần khoảng 600 cán bộ chấm thi.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ sẽ tham mưu để trình Chính phủ giải pháp phù hợp liên quan đến kỳ thi của một số địa phương.
“Nếu chấm thi tập trung sẽ vi phạm quy định về tập trung đông người và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể,” ông Đức kiến nghị.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, TPHCM có thể tách thành các tổ chấm thi để đảm bảo an toàn.
Cũng băn khoăn về điểm thi, ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cho hay, tỉnh hiện có 214 điểm thi.
Tuy nhiên, nếu thực hiện giãn cách trong phòng thi để phòng chống dịch thì số phòng sẽ tăng lên 248 phòng.
Cao Bằng chưa có đối tượng thuộc diện F1, F2 nhưng có 600 người từ Đà Nẵng về.
Vì vậy ông Hòa cho rằng, việc thêm phòng thi sẽ liên quan đến vấn đề sao in đề thi, bố trí cán bộ làm công tác thi.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu bố trí thí sinh có biểu hiện ho, sốt phải thi riêng ở phòng thi dự phòng. “Vậy ho, sốt ở mức nào thì phải riêng? Ai là người quyết định?”, ông Hòa băn khoăn.
Trả lời câu hỏi này của Cao Bằng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc quyết định sẽ cán bộ y tế là đơn vị có chuyên môn thực hiện.
Về việc giãn cách phòng thi, ông Mai Văn Trinh cho biết, tổ chức thi có rất nhiều khâu và các khâu phải đồng bộ, từ in sao đến phòng thi, điểm thi.
Theo quy định, mỗi phòng thi có 24 thí sinh, cách nhau 1,2m. Vì thế ở nơi không có thí sinh thuộc diện F1, F2, nguy cơ thấp thì có thể giãn cách tối đa trong phòng.
Về bài thi của thí sinh thuộc nhóm F1, F2 có nguy cơ lây nhiễm, ông Mai Văn Trinh cho rằng, sau khi thí sinh thi xong, cần phải khoanh vùng, lưu lại chấm sau cùng.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo thi quốc gia, mỗi điểm thi phải bố trí ít nhất hai phòng thi dự phòng để bố trí các thí sinh có biểu hiện ho, sốt.
Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn riêng việc bố trí coi thi, bài thi niêm phong riêng hay chung.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT: "Thành phố Hồ Chí Minh có thể tách thành các tổ chấm thi để đảm bảo an toàn".
Sẽ tham mưu cho Thủ tướng
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Qua thực tế kiểm tra của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia và nghe báo cáo của các địa phương, Bộ GD&ĐT đánh giá công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đã được thực hiện rất chu đáo.
Cho đến nay, cơ bản việc chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. Trong bối cảnh gần đây, dịch Covid-19 bùng phát khiến phát sinh nhiều việc, đặc biệt về tăng cường phòng dịch để không chỉ an toàn về an ninh mà cả an toàn về sức khỏe.
“Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên… tham gia làm thi, rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng.
Tuy nhiên, không vì không đủ thông thông tin hoặc vì một số khó khăn mà có những quyết định không được cân nhắc kỹ”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo tư lệnh Ngành Giáo dục, còn gần 10 ngày nữa kỳ thi sẽ diễn ra, do vậy phải bám sát từng giờ diễn biến của dịch bệnh.
Những tỉnh thành có nguy cơ cao như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã chuẩn bị rất chu đáo, quyết tâm cao, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi.
“Riêng một số địa phương có nguy cơ cao như Đà Nẵng, Quảng Nam, cần bình tĩnh, sát sao, bám sát diễn biến dịch để cùng Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế để có sự tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp phù hợp liên quan đến kỳ thi.
Các địa phương khác cũng vậy, bám sát tình hình để chuẩn bị kỳ thi theo lịch trình đã đề ra.
Tôi tin rằng với quyết tâm cao của lãnh đạo các địa phương, Ban chỉ đạo thi các địa phương, với sự đồng lòng của học sinh, phụ huynh và toàn thể nhân dân, chúng ta cố gắng sao để kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối cả về an ninh, công bằng và an toàn sức khỏe”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Mỹ Hà/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vi-covid-19-hang-loat-phat-sinh-ve-thi-tot-nghiep-thpt-duoc-dat-ra-20200731210737363.htm