Nghỉ hè, các lớp năng khiếu cấp tốc cho trẻ lại rộ lên. Phụ huynh thích mô hình này vì kết quả “nhìn thấy ngay” của nó. Không mấy người đủ bình tĩnh và chuyên môn để nhận ra tác hại lâu dài của những khóa học mì ăn liền kiểu này.
Học trò được học chép tranh ở những khóa cấp tốc
Sự hấp dẫn của “đồ ăn nhanh”
Chưa đến hè, ở hầu hết các cổng trường tiểu học, trung học đã xuất hiện cả một đội quân tiếp thị đông đảo đứng phát tờ rơi giới thiệu về đủ loại chương trình “nghệ thuật hè” với những hứa hẹn động lòng người kiểu như: “thành thạo chơi các bài guitar nổi tiếng sau 3 tháng”, “có tác phẩm tranh sơn dầu triển lãm sau 1 khóa học”, “giao tiếp tiếng Anh với người bản ngữ sau 2 tháng” v.v... Sự hứa hẹn này hấp dẫn đến nỗi, nhiều phụ huynh phải cảm thán: “xưa mình học guitar một năm mới võ vẽ đệm đàn, nay chúng nó học có ba tháng đã đánh Roman ầm ầm”.
Nhà văn Dương Thụy kể lại những trải nghiệm của mẹ con chị khi tham gia một khóa mỹ thuật cấp tốc: “Hồi hè, tôi cho con đi học vẽ, thấy bé đem về mấy bức tranh rất đẹp, tôi có khoe trên Facebook của gia đình. Ai cũng vào khen, duy có chị họa sĩ bạn thân Nguyễn Thị Mai Hoa chân thành góp ý: Đừng cho bé học vẽ kiểu này, đó là chép tranh! Thầy đưa bé một bức tranh cho bé chép theo. Điều này giết chết tính sáng tạo của trẻ, vô cùng tai hại. Cha mẹ nào không biết, thấy con học có vài buổi mà đem về tranh quá đẹp đều tưởng con mình có khiếu! Khiếu này sẽ sớm bị đắp chiếu”!
Giống trường hợp của nhà văn Dương Thụy, anh Nguyễn Duy Quân (Q. Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc kể: “Ở nhà thấy con thích vẽ, tôi đăng ký cho cháu đi học lớp vẽ cấp tốc của một trung tâm rất nổi tiếng. Chỉ sau 3 buổi là con đem tranh về, nói thật là tôi nhìn cái nào cũng thấy đẹp, đem khoe cả trên facebook. Bạn bè tôi vào xem phục lăn, có người còn đòi mua tranh của cháu để treo. Chủ quan, tôi cũng nghĩ có khi con mình có khiếu thật, cứ kẽo kẹt chở con học hết mấy khóa, từ màu nước đến sơn dầu... Vừa rồi tôi quyết định cho cháu đi học thầy để ôn vào trường Mỹ thuật. Không ngờ thầy kiểm tra trình độ của cháu, mắng tôi là làm hỏng con, cho học cái kiểu chộp giật, giờ rất khó đào tạo lại”.
Những bài học “biết vậy chẳng làm” gần như xảy ra thường xuyên với những phụ huynh cho con đi học năng khiếu cấp tốc. Trẻ đi học nhạc cấp tốc sẽ nhanh chóng đánh được một vài bản nhạc “đinh” khiến bố mẹ yên tâm con đã giỏi rồi. Trẻ học ngoại ngữ có thể phát âm đúng, thậm chí giao tiếp thông thường với người nước ngoài, song khi đụng đến kỹ năng viết và đọc văn bản, mọi nhược điểm của kiểu học mì ăn liền sẽ lộ ra.
Chị N.T.T (giảng viên mỹ thuật của trung tâm V.S, Hà Nội) cho biết: “Ban đầu chỗ chúng tôi cũng mở những lớp cơ bản, nhưng đa số học sinh không có nhu cầu học vẽ chuyên nghiệp, phụ huynh chỉ muốn con mình học cái gì mà có thể thấy kết quả ngay. Cho nên những lớp cấp tốc ra đời. Chỉ sau khoảng năm buổi là học sinh đã có thể đem tranh về nhà. Phụ huynh rất thích, đăng ký nhiều. Chúng tôi dạy theo nhu cầu thôi”!
Đốt cháy giai đoạn
Trên thực tế, việc áp dụng các mánh đi ngang về tắt để giải quyết vấn đề một cách tức thì đang là xu hướng được tung hô hiện nay. Mọi người cho rằng cách làm này có thể đốt cháy giai đoạn, trúng đích và tiết kiệm thời gian.
“Tôi thích bài “Roman” và chỉ muốn con đánh được bài này, thế là tôi khoán cho thầy dạy guitar trong 2 tuần phải hướng dẫn con tôi chơi “Roman” thành thạo. Tôi nghĩ rất đơn giản, vì con mình không đi theo con đường chuyên nghiệp, học để chơi thôi, nên chỉ học những thứ mình cần. Nếu nhanh được thì càng tốt, có thời gian, tiền bạc, công sức để dành học thêm thứ khác”. Quan điểm của mẹ Khánh Nguyên (Hà Nội) nhận được nhiều sự ủng hộ không kém những ý kiến phản bác các khóa học mì ăn liền.
Tư tưởng này gần đây phổ biến đến mức, nó đã được áp dụng trong hầu hết các khóa học ngoại khóa, thậm chí đối với cả việc học ở trường. “Chỉ học để đối phó với kỳ thi” sau đó chữ thầy trả thầy chính là một sản phẩm dễ thấy của lối học “nhanh, tiện, sẵn” này.
Chị N.T.T (giảng viên mỹ thuật của trung tâm V.S, Hà Nội) cũng cho biết thêm: “Một khóa mỹ thuật hè trung bình chỉ có 16-24 buổi, mỗi buổi 1,5 giờ, nếu dạy đúng bài bản thì qua một khóa may ra các em mới chỉ biết phân biệt màu và vẽ hình khối. Như thế so với khi chưa học thì không khác gì mấy. Rất ít phụ huynh chấp nhận được kết quả này”.
Thầy Đức Tùng (giáo viên dạy guitar) chia sẻ: Ban đầu tôi chỉ nhận học trò từ lớp cơ bản, nhưng về sau nhiều phụ huynh nhờ quá, tôi cũng mở cả những lớp ăn liền. Học ăn liền thì nhanh, mấy buổi là đánh được một bài, trong khi học cơ bản phải bắt đầu từ ký xướng âm, mất thời gian hơn nhiều”.
Cô giáo Nga Nguyễn (giáo viên tiếng Pháp tại Hà Nội) từng kể với tôi, ở chỗ cô có nguyên tắc là phải dạy cơ bản ngay từ đầu. Tất cả học sinh đến học đều phải test lại trình độ. “Nhiều em học cấp tốc xong được chứng nhận B1, B2 (các trình độ tiếng Pháp) nhưng đến chỗ tôi test vẫn phải học lại từ đầu. Dạy mì ăn liền thì dễ thôi nhưng nó ảnh hưởng đến uy tín của tôi và con đường phát triển của các em sau này” cô Nga nói thêm.
Nói về tác dụng phụ của việc học ăn liền, cô Nga nói ngắn gọn: nó giống như xây nhà nhưng không có móng. Có người bảo, tôi chỉ cần học giao tiếp, nghe nói thôi, không cần học ngữ pháp, không cần học viết. Nhưng họ đâu có biết rằng, muốn giao tiếp, nói tốt, thì đầu tiên là phải vững ngữ pháp, phải biết cấu trúc câu, phải viết ra được. Không có kiến thức cơ bản, dù có nói làu làu hàng tiếng thì vẫn chỉ là ngôn ngữ bồi!
Để đi đường dài
Nhà văn Dương Thụy khuyến cáo các bậc phụ huynh: “Chuyện học hành, các môn năng khiếu, các môn nghệ thuật, học ngoại ngữ, học chơi các môn thể thao… đều cần phải có thầy chuyên môn dạy (có bằng cấp uy tín). Và con cái mình khi học thì cần thời gian rất lâu để tiến bộ, đó là cả hành trình dài theo đuổi năm này qua tháng nọ. Đừng cho con học theo kiểu chụp giật, bạn sẽ giết chết tính sáng tạo và tính kiên nhẫn của con mình!”.
Nhiều phụ huynh, học sinh thích các khóa học cấp tốc vì nó “nhanh và dễ”
“Tôi hay nói vui thôi, chính facebook đã tiếp tay cho nhu cầu ăn xổi của nhiều phụ huynh. Họ cần một kết quả rõ ràng, ngay và luôn để khoe với thiên hạ. Con học năng khiếu chứ gì, thế thành quả đâu, tranh đâu, ảnh đâu, video đâu? Rồi cái sự “khen cho nó chết” của nhiều người nữa cũng góp phần làm nhiều đứa trẻ lao đao”, tiến sĩ Lê Hồng Mây (ĐH KHXH&NV QG) chia sẻ. Chị Mây cũng cho rằng: “Sự quan trọng của kiến thức nền là điều không phải bàn cãi. Khi coi nhẹ những yếu tố này, chúng ta cũng giống như người “bịt tai trộm chuông”, biết thừa ăn xổi không ổn song lại không cưỡng được cám dỗ của nó”.
Nếu tính theo thước đo cơ học dựa vào những quảng cáo của các khóa năng khiếu cấp tốc, chỉ cần hai ba mùa hè, con bạn đã có thể được đào tạo để chơi được cả cầm kỳ thi họa. Mỗi thứ đều biết một tí, song không có thứ nào đến nơi đến chốn.
Thừa nhận rằng kiến thức ở các khóa học cấp tốc không thể giúp học sinh đi đường dài, họa sĩ Phương Hoa còn lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của những kiểu học này: “tôi không biết những môn nghệ thuật khác như thế nào, riêng với hội họa, nếu không có kỹ thuật cơ bản, bạn sẽ chỉ vẽ được theo kiểu bắt chước thôi. Dù bắt chước tinh vi đến đâu bạn cũng khó trở thành họa sĩ. Cũng giống như việc học chữ vậy, nếu học lỏm bạn sẽ biết chữ này là yêu, chữ kia là ghét, song bạn không biết yêu và ghét được ghép từ những vần nào, gồm nguyên âm và phụ âm gì. Học như thế chính là học vẹt thôi. Nếu không nắm rõ từng quy tắc, kiến thức sơ khai, bạn sẽ bơi ra sao trong thế giới công nghệ số thay đổi mỗi ngày này”?
Tiến sĩ Lê Hồng Mây- ĐH KHXH&NV QG:
Mục đích của những khóa học cấp tốc là làm mọi cách để học viên nắm được các mánh khóe trong ngành. Và vì thế, học viên sẽ bị bỏ qua những kiến thức căn bản và “nhảy bậc” lên đến những kiến thức chuyên sâu. Chuyện này giải quyết được rất nhiều rối rắm trước mắt, nhưng nó sẽ hạ gục bạn khi phải đi sâu. Sự không lành nghề và thiếu chuyên nghiệp lúc này sẽ lần lượt lộ ra và không cách nào che đậy. Cho nên tôi luôn khuyến khích các học trò, dù học bất cứ môn nào, từ nấu ăn, cắm hoa hay học nhảy, học đàn, hãy bắt đầu từ những điều cơ bản. Đủ kiến thức nền, bạn mới dễ dàng thích ứng với môi trường biến động.
Theo Đạt Nhi/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/tre-hoc-kieu-mi-an-lien-tai-hai-1694117.tpo