Ảnh hưởng của Covid-19, hàng trăm giảng viên, sinh viên các đại học như RMIT, Việt Đức... chưa thể trở lại Việt Nam để tiếp tục dạy và học.
Tại hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam ngày 21/7, bà Dương Hồng Loan, Giám đốc Đối ngoại chiến lược, Đại học RMIT, chia sẻ trường đang gặp nhiều khó khăn khi xử lý hậu quả do Covid-19.
Đại học RMIT Việt Nam là một phần của RMIT Melbourne (Australia), do đó trường có nhiều giảng viên nước ngoài. Nghỉ Tết Nguyên đán, các giảng viên về nước và đến giờ chưa thể quay trở lại làm việc do chưa có đường bay thương mại tới Việt Nam. Việt Nam chủ trương tạo điều kiện để các chuyên gia có thể đến nhưng thực tế không dễ dàng.
"Một chuyên gia đến được Việt Nam thời điểm này thì 10 người phải làm việc trong một tháng với các cơ quan bộ ngành, địa phương, từ Sở Y tế thành phố đến y tế phường", bà Loan nói. Hay việc xin visa, Bộ Công an chủ trương hỗ trợ nhưng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của các thành phố lại không giải quyết.
Hiện RMIT có khoảng 600 sinh viên quốc tế. Do ảnh hưởng của Covid-19, những em này về nước chưa thể quay lại Việt Nam. Các em không được cấp visa và cũng không có chuyến bay nào để đến Việt Nam cả.
Bà Dương Hồng Loan phát biểu trong hội nghị sáng 21/7 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: Dương Tâm.
Ngoài RMIT, các trường khác cũng có sinh viên đang mắc kẹt ở Australia, Mỹ và nhiều quốc gia do đi trao đổi một kỳ hay tham gia khóa thực tập, giao lưu. Ba tháng nay, nhiều em phải chờ đợi chuyến bay về nước trong thấp thỏm bởi tiền ăn, ở bố mẹ gửi sang đã hết, không biết những ngày tiếp theo sẽ như thế nào trong khi chi phí một tháng ở nước ngoài có thể lên tới 2.000-3.000 USD.
Từ thực tế trên, bà Loan mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến, đề xuất với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia để hỗ trợ giúp nhóm giảng viên, sinh viên này, cũng là giúp các trường đại học.
Đại diện Đại học Việt Đức cho biết hàng năm trường có 20-30% sinh viên ra nước ngoài theo các chương trình hợp tác. Trường còn đang có kế hoạch cho sinh viên qua Đức và nhiều em ở Đức muốn về Việt Nam nhưng gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Ông Lê Quang Sơn, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, thông tin trường có 900 sinh viên quốc tế nhưng chỉ 300 sinh viên Lào quay lại Việt Nam. Số còn lại vẫn mắc kẹt chưa thể quay lại học tập trung.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ khó khăn của các trường, đồng thời khẳng định Bộ sẽ làm đầu mối tập hợp ý kiến, báo cáo của các trường để đề xuất với Chính phủ.
Bộ trưởng Nhạ cũng đề nghị trong thời gian chờ đợi, các trường nghiên cứu đến việc dạy và học online chứ không để tình trạng "ngồi chơi chờ đợi". Ví dụ thời điểm học sinh Việt Nam không thể đến trường do Covid-19, Bộ đã khuyến khích các trường đẩy mạnh học tập trực tuyến và cho phép công nhận kết quả học trực tuyến. Khi quay trở lại trường học, các em chỉ phải ôn tập lại một phần.
Do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết cơ sở giáo dục ở Việt Nam đóng cửa suốt ba tháng (từ tháng 2 đến hết 4). Thời điểm nghỉ phòng chống Covid-19 là ngay sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý (kéo dài ít nhất 7 ngày, tùy từng trường) nên nhiều giảng viên, sinh viên quốc tế về nước nghỉ ngơi.
Sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm sinh viên của nhiều trường đại học tham gia chương trình thực tập, trao đổi với các đại học thế giới theo chương trình hợp tác. Bay sang các nước học tập, nghiên cứu khi Covid-19 chưa bùng phát, hiện nhiều em mắc kẹt, không thể về Việt Nam. Các trường phải thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ. Chẳng hạn, Đại học Bách khoa Hà Nội phải tạo điều kiện cho sinh viên năm cuối mắc kẹt ở Australia, Singapore bảo vệ đồ án tốt nghiệp online.
Theo Dương Tâm/ Vnexpress
https://vnexpress.net/dai-hoc-gap-kho-vi-giang-vien-mac-ket-o-nuoc-ngoai-4133989.html