Trịnh Hoàng Long, lớp 12 trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, TP Nha Trang, sau hai năm tìm tòi đã tách thành công canxi từ xương cá ngừ.
Trịnh Hoàng Long trong phòng thí nghiệm chiết xuất canxi từ xương cá ngừ. Ảnh: An Phước.
Mùa hè năm 2018, Long thấy cảnh người dân xẻ cá ngừ nhưng chỉ lấy thịt chế biến món ăn, còn xương chuyển qua các cơ sở làm thức ăn chăn nuôi, hoặc làm phân bón.
Xương cá ngừ chứa hàm lượng canxi ở dạng Hydroxyapatile khá cao. Đây là một trong những thành phần phục vụ cho y sinh, nha khoa cùng thực phẩm chức năng để điều trị, phòng ngừa thiết hụt canxi, chống loãng xương.
Từ đó, Long nảy ra ý tưởng chiết xuất canxi từ xương cá ngừ và thử nghiệm bổ sung vào bánh quy. Khi đó, mọi người đều có thể tự điều chế canxi, bổ sung dinh dưỡng và tránh lãng phí, nhất là với người dân vùng biển làm nghề đánh bắt ở biển.
Ban đầu, Long nghĩ việc này đơn giản, song thực tế gặp nhiều khó khăn, nhất là làm sao tách được các chất trong xương cá ra, chỉ còn canxi dạng tinh khiết. Nam sinh tìm tài liệu đọc, mua xương cá ngừ về rồi mày mò nghiên cứu nhưng vẫn không biết bắt đầu từ đâu. Cậu làm nhiều thí nghiệm đều thất bại.
Đến lúc vào năm học, Long trình bày ý tưởng với thầy Trần Thế Quang (giáo viên Hóa học) và nhờ hướng dẫn. Thầy trò cùng thảo luận, lên kế hoạch từ việc phân chia thời gian học tập, đến mua nguyên liệu, kinh phí và nơi làm thí nghiệm. Trang thiết bị tại trường chưa đầy đủ, thầy trò nhờ phòng thí nghiệm của Đại học Nha Trang.
Qua thử nghiệm nhiều phương pháp, cuối cùng Long cũng tìm được cách sử dụng thủy ngân bằng NaOH ở nồng độ phù hợp để thu về chế phẩm canxi thành dạng tự nhiên để có độ tinh sạch cao.
Xương cá ngừ được làm sạch, luộc chín, phơi khô để giã nhuyễn. Sau đó, ngâm mẫu qua xử lý thô với tỷ lệ: một nguyên liệu, 2 dung dịch NaOH trong 24 giờ ở 90 độ C. Xong giai đoạn này, bột xương được làm sạch, sấy khô để kiểm tra các điều kiện an toàn, thành phần trong xương đã qua xử lý.
Tiếp đó, nam sinh sử dụng etanol ngâm trong 5 phút và để lắng lại trong 24 giờ. Kết quả thu về được chế phẩm canxi kích thước nano và micro (dạng canxi có kích thước vô cùng nhỏ, có tính tan tốt thì độ hấp thụ sẽ tốt hơn). Chế phẩm canxi thu được thử nghiệm bổ sung vào bánh quy nhằm tạo ra thực phẩm bổ sung canxi có thể sử dụng cho trẻ em và người cao tuổi.
Bánh quy được làm từ bột mỳ trộn với bột canxi do Long chiết ra từ xương cá. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau gần hai năm nỗ lực, cùng với sự giúp đỡ từ thầy giáo và Ban giám hiệu trường, Hoàng Long đã thành công với sáng tạo của mình. Hồi đầu năm, mẫu canxi của cậu học trò gửi đi phân tích tại Đại học Nha Trang và trung tâm xét nghiệm ở TP HCM cho kết quả tách được canxi có kích thước nano và micro, giúp cơ thể hấp thụ được chất khá cao.
Hồi tháng 6, tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học cấp quốc gia năm học 2019-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng, đề tài của Long đạt giải 3.
Vốn là học sinh giỏi ba năm liền, Long được xét thẳng vào Đại học Bách Khoa TP HCM, nhưng khá từ tốn, nói "em phải gác lại niềm vui", bớt thời gian tập võ Aikido, bơi lội, bóng chuyền... để dồn mọi tâm trí ôn tập chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi đây là kỳ thi quan trọng nhất 12 năm học.
Nam sinh Hoàng Long nói về giai đoạn nghiên cứu cùng những dự định tương lai cho đề tài của mình. Ảnh: Xuân Ngọc.
Là giáo viên hướng dẫn Long, thầy Trần Thế Quang đánh giá nghiên cứu của học trò cho thấy hàm lượng canxi trong cá ngừ rất lớn. Tuy nhiên, để ứng dụng được trong lĩnh vực dược phẩm, y học cần có nghiên cứu sâu hơn về quy trình tinh chế, sản xuất bột xương và chất lượng của sản phẩm thu được sẽ phát triển hơn đề tài một cách rộng rãi.
Còn Long cho hay, khi vào giảng đường đại học, cậu sẽ tìm hiểu thêm các ngành liên quan đến công nghệ sinh học. Từ đó, mở rộng kiến thức cũng như có thêm cơ hội phát triển đề tài của mình.
Ông Lê Đình Thuần, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, cho biết đã dùng thử bánh quy trộn canxi được chiết xuất từ xương cá ngừ do Long thực hiện. Bánh không có mùi tanh của cá.
"Đây là ý tưởng rất tốt, có thể nghiên cứu sâu hơn để ứng dụng làm thực phẩm chức năng, thức ăn để hỗ trợ trong việc bổ sung canxi cho cơ thể, mang lại lợi ích cho cuộc sống", ông Thuần nói.
Ngành giáo dục cũng mong các trường trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi, sớm phát hiện những học sinh có đam mê sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Từ đó, hun đúc và tìm cách hỗ trợ cho các em để thời gian nghiên cứu, cũng như học tập.
Theo Xuân Ngọc/ Vnexpress
https://vnexpress.net/nam-sinh-chiet-xuat-canxi-tu-xuong-ca-ngu-4130809.html