Trước thông tin du học sinh phải rời Mỹ nếu học online trong kỳ học mùa thu tháng 9/2020, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các lưu học sinh cần bình tĩnh, chủ động tìm giải pháp phù hợp.
>> Hàng nghìn sinh viên quốc tế chỉ học trực tuyến đối mặt nguy cơ phải rời Mỹ
Theo đó, ngày 6/7 (giờ Mỹ), Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (Bộ An ninh nội địa) thông báo thông tin học sinh - sinh viên quốc tế phải trở về nước nếu trường thực hiện chương trình học trực tuyến cho học kỳ mùa thu tháng 9/2020.
Cộng đồng du học sinh Việt tại Mỹ xôn xao vì thông tin phải rời Mỹ nếu học trực tuyến 100% (Ảnh minh hoạ).
Thông tin trên đang gây chú ý quan tâm lớn trong cộng đồng lưu học sinh Việt tại Mỹ.
Liên quan đến thông tin nói trên, chiều 8/7, đại diện Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&sĐT cho biết đã nhận được thông tin và đã tiến hành trao đổi với các cá nhân, tổ chức. Theo đó, sẽ có nhiều trường đại học và sinh viên quốc tế ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Qua trao đổi Bộ GD&ĐT cũng được biết, các trường đại học ở Mỹ sẽ có những giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho sinh viên của mình.
Ngày 7/7, trước thông tin sinh viên quốc tế có thể phải về nước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trấn an lưu học sinh bằng việc khẳng định sinh viên quốc tế luôn được chào đón đến học tập tại Mỹ.
Bộ GD&ĐT đề nghị các lưu học sinh bình tĩnh, chủ động tìm hiểu về các hướng xử lý của nhà trường để có giải pháp phù hợp cho riêng mình.
“Trong trường hợp các lưu học sinh phải về nước học online thì cần đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ và đề xuất tổ chức các chuyến bay đến Mỹ để đưa các lưu học sinh Việt Nam về nước”, Bộ GD&ĐT thông tin.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để cập nhật tình hình và có giải pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời cho các lưu học sinh.
Chiều 8/7, Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam xung quanh vấn đề sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ.
Trong một diễn biến khác, nhiều trường đại học Mỹ đã kiện chính phủ vì quy định trục xuất sinh viên nước ngoài có chương trình học trực tuyến 100%.
Hai ngôi trường danh tiếng Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts ngày 8/7 đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Boston, đề nghị tạm dừng khẩn cấp quy định mới về di trú do chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra trước đó 2 ngày.
“Chúng tôi sẽ theo đuổi quyết liệt vụ kiện này để các sinh viên quốc tế của chúng tôi, và các sinh viên quốc tế tại các cơ sở đào tạo trên cả nước, có thể tiếp tục việc học của họ mà không bị đe dọa trục xuất”, Chủ tịch Đại học Harvard Lawrence S. Bacow cho biết trong thông báo gửi cộng đồng giảng viên và sinh viên của trường hôm nay.
Theo Reuters, Bộ Tư pháp Mỹ chưa lên tiếng về đơn kiện của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts.
Đơn kiện của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts, hai trường đại học danh giá nhất tại Mỹ, là đơn kiện đầu tiên được đưa ra để thách thức quy định có thể buộc hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài rời khỏi Mỹ, nếu trường của họ chuyển hoàn toàn sang hình thức học trực tuyến.
Ước tính có hơn 1 triệu sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học tại Mỹ. Nhiều trường phải phụ thuộc vào nguồn thu từ các sinh viên này, những người thường phải trả toàn bộ học phí.
Đại học Harvard từng thông báo kế hoạch chỉ tổ chức các khóa học trực tuyến vào mùa thu để tránh sự lây nhiễm của dịch Covid-19. Một số trường cũng lên kế hoạch tương tự. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đang hối thúc các trường mở cửa trở lại trên cả nước vào mùa thu năm nay.
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) cho biết hầu hết sinh viên quốc tế giữ thị thực F-1 và M-1 (thị thực dành cho du học sinh các trường trung học, cao đẳng, đại học và học nghề) vẫn có thể ở lại Mỹ nếu chương trình học của họ dạy trực tiếp hoặc kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
ICE đề xuất các sinh viên học trực tuyến có thể cân nhắc các phương pháp khác như chuyển trường có hình thức đào tạo trực tiếp. Ngoài ra, vẫn có những ngoại lệ đối với các trường sử dụng hình thức kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp.
Sau khi thông báo được đưa ra, các sinh viên, giáo sư và các trường đại học đã nhanh chóng xác định ai sẽ nằm trong nhóm bị ảnh hưởng bởi quy định mới, từ đó xác định cách thức để những người này thực thi quy định mới mà không phải rời khỏi Mỹ.
Trên Twitter, các giáo sư trên khắp nước Mỹ đã đề nghị dạy các khóa học độc lập trực tiếp cho các sinh viên bị ảnh hưởng bởi quy định mới.
“ICE đã đưa ra quy định mà không tính đến vấn đề sức khỏe sinh viên, của khoa, của các nhân viên trong trường đại học hay các cộng đồng”, đơn kiện nêu rõ.
Theo Lệ Thu/Dân trí
https://duhoc.dantri.com.vn/du-hoc/bo-gddt-de-nghi-du-hoc-sinh-binh-tinh-truoc-tin-phai-roi-my-neu-hoc-online-20200709012051751.htm