Nghị quyết số 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế mà Chính phủ vừa ban hành được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng hợp đồng kéo dài với giáo viên, thậm chí lên đến 20 năm xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.
Tình trạng hợp đồng kéo dài đối với giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhiều năm qua các địa phương đã thực hiện ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao với giáo viên.
Tình trạng này kéo dài dẫn đến hệ lụy là có những giáo viên phải chịu “thân phận giáo viên hợp đồng” lên đến 15-20 năm. Không chỉ được nhận mức lương thấp mà còn không được hưởng phụ cấp hay các ưu đãi như giáo viên trong biên chế. Trong khi nhiều giáo viên hợp đồng cũng có thành tích, năng lực nhưng vẫn phải chịu thiệt thòi so với đồng nghiệp đã được tuyển dụng chính thức.
Để giải quyết khó khăn trước mắt cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, đồng thời chấm dứt việc hợp đồng kéo dài đối với giáo viên, Chính phủ vừa ban hành Nghị Quyết số 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp Giáo dục và Y tế.
Nghị quyết nêu rõ đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, để kịp thời thay cho số giáo viên và viên chức y tế nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Giải thích rõ hơn về quy định mới này, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, trong Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định rõ không được hợp đồng với người làm chuyên môn. Còn Nghị quyết số 102/NQ-CP vừa ban hành cho phép đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng với người làm chuyên môn giáo dục, y tế, nhưng không được kéo dài hợp đồng quá 12 tháng.
Sau thời gian này, đơn vị sử dụng lao động sẽ buộc phải tuyển dụng chính thức đối với những giáo viên hợp đồng này. Việc tuyển dụng có thể theo hình thức thi tuyển, hay xét tuyển.
Thực hiện điều này sẽ tránh tình trạng các địa phương kéo dài hợp đồng với giáo viên như đã xảy ra thời gian qua. Nhiều địa phương còn chỉ tiêu biên chế, nhưng vì lý do năm học không trùng với kỳ tuyển dụng, hay đang ở giữa kỳ lại có người về hưu, nghỉ thai sản, thành ra thiếu giáo viên.
Việc cho phép ký hợp đồng cũng sẽ giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Còn quy định "không kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn giáo dục quá 12 tháng" trong Nghị quyết 102 sẽ chấm dứt tình trạng các địa phương còn biên chế được giao nhưng không tuyển dụng mà ký hợp đồng kéo dài với giáo viên.
Theo Bích Hà/Lao động
https://laodong.vn/giao-duc/cham-dut-tinh-trang-hop-dong-keo-dai-doi-voi-giao-vien-817760.ldo