Trong khi các thống kê đều cho thấy đang thừa giáo viên thì mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm tăng 51% so với năm 2019. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Tiền Phong đã có trao đổi với bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT. Bà Thủy cho biết:
Sinh viên sư phạm trong mùa khai trường năm học 2019 – 2020 Ảnh: Như Ý
Năm 2020, toàn hệ thống có 102 cơ sở tham gia đào tạo các ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, CĐ giáo dục mầm non với tổng chỉ tiêu đề xuất là 84.475. Căn cứ vào nhu cầu địa phương và trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí, Bộ GD&ĐT xác định phân bổ 69.630 chỉ tiêu, tương đương với 64% nhu cầu sử dụng của địa phương. Năm 2018 Bộ đã giao 35.000 chỉ tiêu, năm 2019 giao gần 46.000 chỉ tiêu. Do dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương thời gian tới sẽ tăng, nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm năm nay tiếp tục tăng so với năm 2019. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, con số này vẫn chỉ đáp ứng được trên 60% nhu cầu sử dụng theo đề xuất của các địa phương.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Ảnh: Nghiêm Huê
Trước đó, để xác định nhu cầu tuyển sinh sư phạm, ba năm nay Bộ GDĐT đã kết hợp với địa phương khảo sát nhu cầu, số lượng giáo viên của từng cấp học, môn học; qua đó, thực hiện phân bổ chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm trên cơ sở kết hợp các tiêu chí: đề xuất của địa phương, năng lực của các trường cũng như phạm vi tuyển sinh.
Dự báo trong vài năm tới các địa phương trong cả nước sẽ thiếu hụt giáo viên ở một số môn học, cấp học trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ đã tính đến thực tế một số lượng nhất định sinh viên tốt nghiệp các năm trước ra trường chưa có việc làm để xác định số chỉ tiêu cần theo nhu cầu địa phương. Ngoài ra Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường sư phạm lớn trong hệ thống triển khai việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên khi nguồn đào tạo mới chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế về số lượng.
Chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm năm nay được xác định dựa trên những cơ sở nguyên tắc nào, thưa bà?
Chỉ tiêu được xác định trên năng lực và điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Những năm gần đây nhiều trường sư phạm được tăng cường đầu tư, do đó năng lực đào tạo cũng được tăng cao.
Bộ GD&ĐT cũng tính toán phương án bù đắp chỉ tiêu cho một số trường có tỷ lệ sàng lọc đáng kể giữa đầu vào và đầu ra. Số lượng thí sinh ra trường thấp hơn lúc nhập học cho thấy đã có sự sàng lọc, cạnh tranh về chất lượng trong quá trình đào tạo. Do đó, khi tính toán chỉ tiêu cho những trường này, Bộ đã có bổ sung tỷ lệ sinh viên đã bị sàng lọc hằng năm.
Nguyên tắc tăng chỉ tiêu nhóm ngành giáo viên năm nay thế nào giữa các trường?
Việc chỉ tiêu tăng giảm không đồng nhất giữa các trường là do năm 2019 tổng số thí sinh trúng tuyển đạt 53,90% so với số chỉ tiêu được giao và có sự chênh lệnh về tỷ lệ trúng tuyển giữa các cơ sở. Có những trường, nhất là cao đẳng, hầu như không tuyển được quá 50%, nhưng bên cạnh đó, có những cơ sở đào tạo tuyển được từ 77-98%. Đáng chú ý, tỷ lệ trường tuyển cao chủ yếu rơi vào nhóm trường lớn, có bề dày lịch sử đào tạo sư phạm và được giao nhiều chỉ tiêu.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT còn căn cứ vào nguyên tắc: nếu chỉ tiêu do trường xác định dựa trên cơ sở năng lực đào tạo nhỏ hơn nhu cầu của địa phương thì giao chỉ tiêu theo đề xuất của trường; nếu chỉ tiêu do trường xác định lớn hơn nhu cầu của địa phương sẽ giao chỉ tiêu theo ngành và trình độ theo đề xuất của địa phương. Có thể thấy, nhu cầu của thực tế vẫn là yếu tố quyết định việc tăng giảm chỉ tiêu của cả khối trường sư phạm nói chung và từng cơ sở đào tạo nói riêng.
Những trường năm trước tuyển sinh tốt, hoàn thành kiểm định sẽ có lợi thế hơn khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.
Bộ GD&ĐT đang tiến hành quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDĐH, trong đó có mạng lưới các trường sư phạm. Do vậy trong thời gian tới, việc phân bổ chỉ tiêu, vấn đề thừa thiếu giáo viên cũng như công tác đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ từng bước được giải quyết căn cơ và hiệu quả.
Xin cảm ơn bà!
Theo thống kê của Bộ cho thấy, có nhiều tỉnh thiếu hàng ngàn giáo viên như: Kiên Giang (1.008), TPHCM (1.290), Bình Dương (2.811), Đồng Nai (1.762), Gia Lai (2.572), Nghệ An (1.939), Thanh Hóa (2.877), Nam Định (1.169), Thái Bình (3.167), Hưng Yên (1.742), Hải Dương (1.823), Bắc Ninh (1.479), Vĩnh Phúc (2.300), Bắc Giang (1.019), Sơn La (3.355)...ở bậc mầm non và phổ thông. Trong bối cảnh mỗi năm hàng ngàn giáo viên về hưu, chương trình giáo dục mới với yêu cầu tối đa 45 học sinh/lớp, tăng cường giáo viên các môn học Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Tin học cho bậc tiểu học, dân số tiếp tục tăng nhanh… khiến cho nguy cơ thiếu trầm trọng giáo viên trong vài năm tới là chắc chắn.
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2020-vi-sao-chi-tieu-cac-truong-su-pham-tang-1683242.tpo