Học sinh vui mừng vì được nghỉ hè nhiều hơn trong khi các phụ huynh hy vọng con sẽ có ngày khai giảng đúng nghĩa là ngày hội đến trường.
Không học trước 5/9, học sinh sẽ có ngày khai giảng đúng nghĩa hơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thông tin từ năm học 2020-2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, không tập trung học sinh trước 1/9 đã nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều học sinh, phụ huynh.
Ngày khai giảng sẽ ý nghĩa hơn
Rất hào hứng với quy định mới, em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho hay quy định trên là điều mà các học sinh đều mong muốn. “Chúng em muốn được nghỉ hè nhiều hơn để có thể giảm bớt áp lực học tập. Hè cũng là dịp để em có thể làm được nhiều điều mà mình thích nhưng không thể thực hiện khi đi học như thử đi làm thêm, học các môn ngoài nhà trường như học đàn, học nhảy, học vẽ...,” Tuấn Anh chia sẻ.
Không chỉ học sinh, với các phụ huynh, đây cũng là thông tin rất được mong chờ. Theo chị Nguyễn Thị Minh (Long Biên, Hà Nội), việc Bộ cho các con được nghỉ học hết hè đã trở thành chủ đề nóng của cả nhà chị trong suốt hai ngày nay. “Các con ban đầu còn không tin là mình sẽ được nghỉ đến tận khai giảng vì năm nào cũng phải đi học trước. Tôi phải mở báo ra cho con đọc. Cả hai đứa đều rất hào hứng, tôi cũng rất vui. Cả nhà ngồi thảo luận lên kế hoạch cho một mùa hè mới đầy ý nghĩa,” chị Minh cười nói.
[Từ năm học 2020-2021, không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng]
Cũng theo chị Minh, thông tin các con không phải học trước khai giảng khiến chị rất xúc động khi nghĩ đến những ngày thơ ấu của mình. “Khi đó, chẳng bao giờ phải học hè. Thế hệ chúng tôi luôn được nghỉ hè trọn vẹn ba tháng và vì thế ngày khai giảng ý nghĩa vô cùng, ai cũng háo hức chờ được đến trường. Tôi hy vọng khi áp dụng quy định mới, các con mình cũng có được cảm xúc tựu trường ấy,” chị Minh nói.
Đây cũng là chia sẻ của chị Phan Thu Hoài (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Theo chị Hoài, trong những năm qua, học sinh được nghỉ hè khá ít nên các con không cảm nhận được niềm vui tới trường. Việc học mấy tuần rồi mới khai giảng khiến cho khai giảng chỉ còn là thủ tục của người lớn chứ không còn là ngày hội đến trường của trẻ nhỏ. Với các con, năm học đã bắt đầu từ tháng Tám. “Nghỉ hè còn ít hơn cả đợt nghỉ vì dịch COVID-19. Cứ nhìn sự háo hức chờ đợi được đến trường của các con sau đợt nghỉ dịch thì không khác gì niềm vui khai trường ngày xưa,” chị Hoài so sánh.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Ủng hộ, dù có khó khăn
Không có ông bà ở cùng nên chị Hoài bảo việc các con ở nhà cả ba tháng hè sẽ có xáo trộn nhất định với sinh hoạt gia đình khi phải tính toán trông con. “Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng sắp xếp để con có kỳ nghỉ hè ý nghĩa nhất trong khả năng của mình,” chị Hoài nói.
Với chị Minh, cùng với niềm vui cũng là nỗi lo. “Con nghỉ hè dài, ở nhà cả ngày, tôi sợ con sẽ xem tivi, lướt internet hoặc chơi game quá nhiều mà mình không kiểm soát được. Nếu cho con đi học các khóa học hè thì bố mẹ lại bận đi làm cả ngày, không có thời gian đưa đón. Còn các chương trình học toàn thời gian thì mình lại không đủ khả năng tài chính,” chị Minh phân trần.
Chị cho hay đây cũng là vấn đề mà hai vợ chồng chị đang phải tìm cách thích ứng: “Tôi nghĩ không chỉ gia đình mình mà nhiều gia đình khác cũng sẽ có khó khăn tương tự, nhưng tôi vẫn ủng hộ chủ trương của Bộ vì điều đó là tốt cho các con.”
Còn với chị Bùi Thị Hương (phường Lê Hồng Phong, Nha Trang, Khánh Hòa), từ năm nay các con sẽ có những mùa hè rất ý nghĩa khi chị có thể bố trí thời gian cho con về chơi ở cả hai quê nội, ngoại.
“Quê nội ở Nam Định, quê ngoại ở Quảng Trị, vợ chồng tôi vào đây lập nghiệp. Nếu được nghỉ hè dài ngày, các con sẽ được về quê với ông bà đôi bên, được trải nghiệm cuộc sống ở các vùng nông thôn khác nhau của Việt Nam, học hỏi thêm văn hóa truyền thống và gắn kết tình cảm gia đình. Đó là điều mà không trường lớp nào có thể mang lại được,” chị Hương nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, để cho trẻ con có được những ngày hè ý nghĩa, có thời gian dành cho các hoạt động ngoài nhà trường cũng là điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn khi quyết định yêu cầu các trường không tổ chức dạy học trước khai giảng.
“Bộ sẽ quán triệt vấn đề này và đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm,” ông Thành khẳng định./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/hoc-sinh-phu-huynh-noi-gi-truoc-quy-dinh-khong-day-hoc-truoc-59/649440.vnp