Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, trung thực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Ngày 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị số 26 về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2020. Dù đổi tên là kỳ thi tốt nghiệp THPT và giao cho địa phương chủ trì tổ chức, cách thức thi năm nay vẫn được giữ như kỳ thi THPT quốc gia các năm trước. Tuy vậy, Thủ tướng vẫn phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chung về kỳ thi; xây dựng quy chế, hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học; ra đề thi; giải đáp thắc mắc của thí sinh và người dân. Bộ xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung để tổ chức thi ở các địa phương; có giải pháp kỹ thuật đảm bảo kỳ thi an toàn, trung thực, đặc biệt phần mềm và quy trình chấm trắc nghiệm bằng máy tính.
Với tuyển sinh đại học, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh theo tinh thần tự chủ và trách nhiệm giải trình; phân tích dữ liệu quốc gia về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh toàn quốc.
Do kỳ thi đã được giao về địa phương, trường đại học không phải cử giảng viên tham gia coi thi, chấm thi như mọi năm. Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn gian lận, tiêu cực như từng xảy ra ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường đại học thanh tra tất cả khâu của kỳ thi.
Lịch thi tốt nghiệp THPTvà xét tuyển đại học năm 2020. Đồ họa:Tạ Lư
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thi trên địa bàn gồm đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi (riêng bài trắc nghiệm chấm trên máy tính bằng phần mềm dùng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo); thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo; phân tích dữ liệu kết quả thi và học tập của học sinh ở địa phương; xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các địa phương chuẩn bị điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí ngân sách để tổ chức kỳ thi; đảm bảo phòng chống Covid-19. Ngoài ra, nhà chức trách địa phương tạo điều kiện đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân, không để thí sinh bỏ thi vì khó khăn về kinh tế hoặc điều kiện đi lại.
Bộ Công an được giao đảm bảo an ninh cho kỳ thi, đặc biệt là bảo mật đề, vận chuyển bài thi, coi thi, chấm thi. Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện cho vận chuyển đề thi, bài thi, đặc biệt bằng đường hàng không; không để ách tắc giao thông ảnh hưởng tới kỳ thi.
Ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra ngày 9-10/8, chậm hơn một tháng rưỡi so với năm ngoái. Thí sinh sẽ thi ba bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Đề thi sẽ được ra theo hướng tinh giản, tương ứng với việc cắt giảm 5-7 tuần học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Khoảng 900.000 thí sinh đang đăng ký xét tuyển đại học, hạn cuối đến 30/6.
Theo Viết Tuân/VnExpress
https://vnexpress.net/thi-tot-nghiep-thpt-phai-dam-bao-trung-thuc-4120285.html