Nếu thấy con đập nhịp theo các bài hát bằng nồi niêu, hay vẽ nguệch ngoạch trên tường, bạn nên biết con có sức sáng tạo mãnh liệt và cần phát huy.
Cho dù bạn có thể không muốn con vẽ lung tung khắp nhà, việc cổ vũ trẻ tiếp xúc với nghệ thuật là bước phát triển quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển về thể nhất, nhận thức và kỹ năng xã hội của các em.
Thể chất
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất học sinh có thể nhận được từ việc học vẽ là vận động tinh tế (fine motor skills), quyết định khả năng vận dụng các nhóm cơ nhỏ để tăng sự chính xác cho cử động nhỏ.
Qua việc tập sử dụng công cụ nhỏ như cọ vẽ, chì màu, trẻ có thể chuyển động chính xác hơn, dẫn đến việc thành thạo các kỹ năng như viết tay nhanh hơn, theo một nghiên cứu của Đại học Bang Michigan, Mỹ.
Nhận thức
Học vẽ cũng giúp trẻ phát triển những kỹ năng nhận thức như ngôn ngữ, toán học, và tư duy phản biện. Việc tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ không chỉ thông qua việc học tên hình khối, màu sắc, vật liệu mà còn qua sử dụng những từ ngữ miêu tả sản phẩm sáng tạo, hay để diễn đạt cảm xúc khi quan sát các phong cách nghệ thuật khác nhau, theo PBS Parents.
Việc học nghệ thuật cũng giúp trẻ phát triển những kỹ năng liên quan đến toán học. "Bài học về âm nhạc như nhịp, phách, sẽ giúp việc làm quen với các vấn đề toán học như tưởng tượng không gian, thứ tự, đếm số...", theo Young Children, tạp chí của Tổ chức Giáo dục Trẻ nhỏ Mỹ. Bởi vậy âm nhạc thường được coi là một cách "tự nhiên và có tính phát triển phù hợp để kích thích trẻ em, dù bé đến đâu, học toán".
Ảnh: Shutterstock.
Tư duy phản biện
Sự kết hợp của khả năng ngôn ngữ và toán học đóng góp vô cùng tích cực đến khả năng tư duy phản biện của trẻ nhỏ.
Khi học vẽ, trẻ phải quyết định màu sắc, hình khối, kích cỡ cho từng phần của tranh một cách phù hợp nhất. Qua đó, trẻ có thể học cách tưởng tượng một bức tranh toàn cảnh về những gì muốn sáng tạo, theo như nghiên cứu của Đại học bang Michigan. Các bước này tương đồng với quá trình tư duy phản biện, một nhân tố quan trọng giúp học sinh phát triển học vấn trong tương lai.
Khả năng giao tiếp xã hội
Qua việc tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ, trẻ ó thể phát triển các kỹ năng xã hội tốt hơn, như chia sẻ, cảm thông và quan tâm chăm sóc người khác, theo một nghiên cứu tổng hợp từ Quỹ Hỗ trợ tài năng nghệ thuật Mỹ từ năm 2000 đến 2015.
Trẻ em có thể trở thành người thành công hơn rất nhiều, trong cả giao tiếp, tư duy, và tiếp xúc xã hội, chỉ bằng cách tiếp xúc với nghệ thuật một cách đơn giản nhất từ khi còn nhỏ. Vậy nên, hãy đừng ngại ngần cổ vũ, tham gia cùng trẻ trong hành trình sáng tạo của các em.
Theo Phan Nghĩa/VnExpress (nguồn TreeHugger)
https://vnexpress.net/nghe-thuat-giup-tre-phat-trien-tu-duy-4119135.html