Theo các chuyên gia, nhà giáo, học sinh hiện nay có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu ngành nghề trước khi lựa chọn tuy nhiên cũng có nhiều em vẫn không lựa chọn được đúng ngành nghề mình mong muốn.
Vẫn còn nhiều học sinh lựa chọn nghề chưa phù hợp
Đoàn Ngọc Hiền, học sinh lớp 12D7, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, năm nay Bộ GD&ĐT chỉ cho thí sinh đăng ký thi và xét 1 tổ hợp KHTN hoặc tổ hợp KHXH thay vì cả 2 tổ hợp như mọi năm là khá bất lợi cho học sinh. Trước đây một số bạn thi một tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp nhưng bạn có thể đăng ký thi thêm môn Vật Lý hoặc Hoá học trong tổ hợp KHTN để xét tuyển vào ĐH nhưng năm nay không thể làm được điều đó. Sau nghỉ dịch bệnh, còn không nhiều thời gian để học nhưng có một số bạn phải đổi tổ hợp nên có phần lo lắng.
Thầy Lương Ngọc Huy, giáo viên nhiều năm dạy lớp 12 Trường THPT Đồng Quan, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, hằng năm, nhà trường tổ chức ngày hội tư vấn, định hướng nghề nghiệp để các em tham khảo, tìm hiểu thêm về xu hướng ngành nghề, đặc điểm, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Giáo viên thường lưu ý học sinh, khi chọn ngành nghề, trước hết phải xem mình có đam mê, mơ ước nào không, sau đó dựa vào lực học, so sánh với điểm tuyển sinh của ngành này ở các trường ĐH năm trước lấy bao nhiêu điểm để lựa chọn. “Phải xác định từ đầu bậc học để phấn đấu. Trên thực tế, sau khi cân đối hết các yếu tố đó, học sinh vẫn thường hỏi lại ý kiến thầy cô một lần nữa mới quyết định”, thầy Huy nói.
Nhiều thầy cô cũng nói thêm, qua các năm tư vấn cho học sinh chọn ngành nghề, không phải em nào cũng lựa chọn đúng sở thích, năng lực. Có học sinh nhiều năm ấp ủ dự định sẽ thi sư phạm để theo ngành giáo nhưng nhìn quanh ở địa phương giáo viên thừa, nhiều năm không có ai tuyển dụng, xuất thân gia đình lại khó khăn nên em đành tặc lưỡi chọn ngành không liên quan.
Một khảo sát ở hàng nghìn học sinh, sinh viên của nhóm tác giả Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội thực hiện năm 2019 cho thấy, có tới 37,6% học sinh còn gặp nhiều khó khăn khi chọn nghề như: không biết bản thân phù hợp với nghề nào; không có người am hiểu về nghề tư vấn; không biết con số ngành nghề địa phương, xã hội đang cần.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội) cho biết, khi đi tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, vẫn còn nhiều em gặp những sai lầm như: chọn nghề theo trào lưu, chọn vì lý do kinh tế, chọn nghề được xã hội trọng vọng. Chưa kể, nhiều em bằng mọi giá, không ngành này thì ngành khác phải vào bằng được ĐH.
Với cách chọn nghề sai lầm như vậy, khi vào học một thời gian các em sẽ sinh tâm lý chán nản, cảm thấy không phù hợp, khi ra đi làm cũng khó có thể tìm được đam mê, công việc đạt hiệu quả tốt. Đặc biệt, TS Nam phân tích, trong sai lầm lựa chọn nghề nghiệp của con có phần lỗi của cha mẹ. Bởi khi lựa chọn, không ít cha mẹ áp đặt, yêu cầu con chọn ngành nghề mình mong muốn, thậm chí sắp đặt toàn bộ lộ trình mà bỏ qua, không tôn trọng sở thích của con. Hay có người lại bỏ mặc, coi trọng hình thức nghề nghiệp hơn giá trị nghề…
TS Nam khuyên học sinh cuối cấp, để lựa chọn ngành nghề đúng, trước hết cần phải xem bản thân có sở thích, năng lực nào nổi trội. Sau đó, tự đặt câu hỏi “Tôi thích nghề gì?” và liệt kê ra các ngành nghề mình hứng thú, vì sao.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho biết, năm nay Bộ GD&ĐT tiếp tục cho học sinh có cơ hội thay đổi nguyện vọng nếu sau một thời gian trúng tuyển, nhập học cảm thấy không phù hợp. Điều đó rất có lợi cho học sinh, nếu chẳng may các em không chọn đúng ngành nghề.
“Tất nhiên, khi bỏ ngành đang học để lựa chọn ngành khác các em phải mất tiền học phí nửa năm, 1 năm nhưng thà như vậy còn hơn mình tiếp tục học ngành nghề không phù hợp, không có đam mê sở thích”, TS Lê Trường Tùng nói.
https://www.tienphong.vn/giao-duc/hoc-sinh-van-lung-tung-khi-chon-nghe-1676157.tpo