Thời gian qua, cùng giáo viên nhà trường nghiên cứu kỹ lưỡng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, cô Ngô Thị Hoàng Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng An (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) nhận thấy nhiều điểm hay trong việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông này.
Giáo viên tham gia nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa mới. Ảnh: Trang Nguyễn
Học sinh định hình được tương lai
Theo đó, chương trình thay đổi mục tiêu, từ giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức chuyển sang giáo dục định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, giúp các em học xong biết ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của thực tế cuộc sống. “Đây là điểm mới, mang lại lợi ích lớn nhất cho học sinh” - nữ hiệu trưởng nói.
Việc dạy học tới đây sẽ không phải cô giảng - trò ghi chép, mà học thông qua tổ chức các hoạt động giáo dục, chú trọng để học sinh “học qua làm” các thực hành, thí nghiệm. Điều này, theo cô Liên, sẽ giúp các em dễ ghi nhớ và hiểu sâu các nội dung kiến thức. Học sinh qua đó phát triển được các năng lực, phẩm chất, tự tin hơn và biết linh hoạt sử dụng các kiến thức học được vào xử lý các tình huống trong thực tiễn.
Cô Ngô Thị Hoàng Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng An, huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trang Nguyễn
Trước đây, sách giáo khoa là “pháp lệnh” và giáo viên nhiều năm chỉ giảng dạy nội dung có trong sách giáo khoa. Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, cả chương trình và sách giáo khoa đều được viết theo hướng mở.
“Sách giáo khoa lần này không bị nặng nề bởi các kiến thức hàn lâm mà mỗi bài học đều được giới thiệu cho học sinh thông qua những gì thân quen với đời sống của các em nhất”- Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng An nói.
Giáo viên chọn sách: Điểm “cộng” lớn của đổi mới
20 năm làm giáo viên rồi thành cán bộ quản lý giáo dục, đây là lần đầu tiên cô Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Cường (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) được thực hiện một chương trình có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Cô Huế cảm thấy phấn chấn, mong chủ trương này được thực hiện lâu bền, bởi “một chương trình nhiều sách giáo khoa mang lại rất nhiều ưu điểm”.
Ưu điểm thứ nhất, theo cô Huế là tạo ra sự cạnh tranh trong làm sách giáo khoa. Khi đó, các nhà xuất bản sẽ tập trung đầu tư nhiều trí tuệ để có những bộ sách chất lượng nhất. Người hưởng lợi cuối cùng của hoạt động này chính là giáo viên và học sinh.
Việc có nhiều sách giáo khoa trong một chương trình thống nhất, cũng làm thay đổi tư duy của người dạy, cán bộ quản lý giáo dục.
“Giờ đây, sẽ không còn những cái sẵn có để giáo viên chỉ giảng dạy theo đúng những nội dung trong sách giáo khoa. Việc dạy học bây giờ thực hiện theo chương trình, sách giáo khoa chỉ là tài liệu cụ thể hóa chương trình ấy, là một kênh tham khảo. Do đó, giáo viên được quyền tự do sáng tạo, sử dụng các nguồn ngữ liệu mới để dạy cho học sinh. Việc giảng dạy của giáo viên sẽ không bị gò ép trong một khuôn mẫu nào”, cô Huế nói.
Đặc biệt, việc giáo viên và các nhà trường được quyết định lựa chọn sách giáo khoa giảng dạy trong cơ sở giáo dục phổ thông, theo cô Huế, là “điểm cộng” lớn trong công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này.
Còn theo cô Phạm Thị Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vị Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, việc nhà trường được chọn sách giáo khoa có tác dụng rất tốt trong công tác giáo dục. Bởi lẽ, các giáo viên khi nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn sách, sẽ nắm chắc được nội dung, quan điểm và cách sử dụng tài liệu giảng dạy này.
Cô Phạm Thị Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vị Sơn, huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trang Nguyễn
Giải bài toán quản lý khi nhiều sách giáo khoa
Còn theo ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang), giáo viên trong tỉnh đánh giá rất tích cực về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới.
Về hình thức, sách giáo khoa có chất lượng giấy, khổ in, màu in tốt hơn, các bài học có nhiều tranh ảnh, hình vẽ… Quan trọng nhất, nội dung sách giáo khoa không nặng tính hàn lâm mà gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống gần gũi với học sinh.
Về góc độc quản lý giáo dục, ông Giáp cho rằng, sẽ có chút khó khăn hơn khi mỗi trường dạy học theo một sách giáo khoa khác nhau.
“Tuy nhiên, đây là bài toán mà người quản lý phải cố gắng, để làm sao giáo viên được thuận lợi nhất trong giảng dạy và học sinh là người hưởng lợi cuối cùng.
Tất cả sách giáo khoa đều biên soạn theo chuẩn chung của chương trình giáo dục phổ thông, nên dù học sinh bị cắt ngang việc học do chuyển trường, thì cũng không quá lo ngại học hành bị ảnh hưởng. Việc quản lý cũng không bất cập”, ông Hà Huy Giáp nhấn mạnh.
Theo Trang Nguyễn - Bích Hà/Lao động
https://laodong.vn/xa-hoi/chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-giao-vien-khong-bi-go-theo-khuon-mau-811381.ldo