Khảo sát hơn 430 cây trong 21 trường, Sở Xây dựng phát hiện nhiều cây bị sâu bệnh, mục thân, có nguy cơ đổ nên đề xuất đốn hạ.
Sở Xây dựng TP HCM từ ngày 27 đến 29/5 cùng UBND các quận 1, 3, 4, 5, 10 và Bình Thạnh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố khảo sát việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên 21 trường từ mầm non đến THPT.
Hơn 430 cây được kiểm tra là các loại cây bóng mát như phượng, bàng, bằng lăng, sọ khỉ, bò cạp nước, lim xẹt, dầu, me tây. Phần lớn trường được Sở Xây dựng TP HCM khuyến cáo đốn hạ 1-4 cây có nguy cơ đổ hoặc tỉa cành.
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) có 4 cây phượng trước sân, thân bị cong, rễ nổi, nặng tán. Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) có 19 cây, trong đó một cây sọ khỉ có rễ nổi, ăn sâu vào công trình nhà và thân nghiêng ra ngoài, cần đốn hạ. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có 23 cây, trong đó một cây nhạc ngựa bị cắt cụt ngọn, đang yếu, cần thay thế.
Cây phượng thứ hai ở trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bị đốn hạ, một ngày sau vụ phượng đổ đè lên 18 học sinh. Ảnh: Lê Nam.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM, cây trong trường do các trường tự quản lý, chăm sóc, đa số cắt tỉa một năm một lần. Khi cần hạ đốn, các trường thuê đơn vị có chuyên môn cây xanh thực hiện.
Song cây trong trường được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật, nhiều cây bị cắt trụi cành nhánh, làm mất sức sống. Lâu dài, cành nhánh sẽ mọc nhiều tại chỗ cắt song rất dễ gãy, gây nguy hiểm cho học sinh.
Đa số cây được trồng trong bồn xây cao 30-60 cm, thường được làm chỗ ngồi cho học sinh. Một số cây trong bồn có bộ rễ bị bó diện tích, rất khó mọc lan ra bên ngoài. Ngoài ra, tại nhiều trường, cây mọc lên ở vị trí không thuận lợi, không gian sống bị tòa nhà che chắn, đất bị bêtông hóa khiến rễ khó phát triển, lan rộng.
Cây xà cừ hơn 100 năm tuổi tại sân trường THPT Marie Curie (quận 3). Ảnh: Mạnh Tùng.
Sở Xây dựng TP HCM đề nghị UBND quận huyện và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố rà soát cây xanh ở nơi công cộng, cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện. Trong đó Sở lưu ý cây phượng có kích thước lớn, bị sâu bệnh, trên 20 năm hoặc cây bàng phải được kiểm tra thường xuyên. Riêng các cây cao lớn như sọ khỉ, dầu, me tây được cắt tỉa tán lá và lấy nhành khô.
Sau khi đốn hạ, các đơn vị có thể trồng bổ sung những loại cây phù hợp. Cây trước khi trồng phải có hệ rễ nguyên vẹn, thân thẳng, tán lá và phân cành cân đối, không bị sâu bệnh.
Ngày 26/5, cây phượng ở sân trường THCS Bạch Đằng bất ngờ bật gốc, đổ đè 18 học sinh. Các em được đưa đi cấp cứu sau đó, một nam sinh tử vong.
Sau tai nạn này, UBND TP HCM, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các quận huyện, trường học kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh. Hai tuần qua, nhiều trường đã thuê các công ty cây xanh hạ đốn hoặc tỉa cành, mé nhánh cây.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/de-xuat-don-ha-nhieu-cay-trong-truong-4113058.html