Sáng 5/6, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dù kỳ thi đã được Chính phủ giao cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện nhưng Bộ GD&ĐT, bản thân Bộ trưởng cũng chịu trách nhiệm rất lớn trong việc chỉ đạo kỳ thi nghiêm túc.
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Lựa chọn cán bộ coi thi, công bố điểm đúng ngày 27/8
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những kỳ thi chất lượng, nghiêm túc nhất. Sau 12 năm học, học sinh phải trải qua kỳ thi đánh giá trên diện rộng. Căn cứ vào kết quả kỳ thi để có nhiều mục đích, trước hết là xét tốt nghiệp, ngành giáo dục điều chỉnh, bổ sung cách dạy và học; địa phương đánh giá kết quả giáo dục so với các địa phương khác và làm cơ sở cho các trường ĐH tuyển sinh. Với những mục đích đó, kỳ thi ko đơn thuần chỉ xét tốt nghiệp bởi vậy ông yêu cầu kỳ thi phải đáp đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch.
Bộ trưởng cho rằng, tổ chức kỳ thi như năm nay hoàn toàn phù hợp vì sau khi học sinh hoàn thành THPT muốn tốt nghiệp phải tham gia kỳ thi. Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, công nhận tốt nghiệp, xét tuyển năm nay được xây dựng trên nhiều căn cứ.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực nhưng các địa phương và ngành đã thực hiện kế hoạch an toàn trường học, thích ứng mùa dịch đến thời điểm này đáp ứng mục tiêu đề ra.
Dù kỳ thi đã được Chính phủ giao trách nhiệm cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện nhưng Bộ trưởng Nhạ nói rằng, Bộ GD&ĐT, bản thân bộ trưởng cũng chịu trách nhiệm rất lớn trong việc chỉ đạo kỳ thi nghiêm túc.
Kỳ thi năm nay, thanh tra Chính phủ cũng tham gia, các lực lượng từ Công an đảm bảo an toàn, an ninh mạng, gian lận công nghệ cao; Bộ Giao thông vận tải đảm bảo việc đi lại cho học sinh…. Còn Bộ GD&ĐT chịu tổ chức kỳ thi và chịu trách nhiệm toàn diện.
Vì thế, ông Nhạ lưu ý, các địa phương nâng phải nâng cao trách nhiệm, tránh tình trạng một số địa phương nhiều việc, ý thức về kỳ thi chưa cao, dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành chưa chu đáo một số khâu, tiềm ẩn rủi ro. “Dù kỳ thi này đã được tổ chức nhiều năm và bài học của kỳ thi 2018 vô cùng đắt giá vẫn còn đó”, ông nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, tất cả cán bộ, giáo viên, thanh tra năm nay được cử đi làm thi phải được tập huấn kỹ về quy chế thi. Sau khi tập huấn phải được test để xem cán bộ nắm đến đâu, không được tham gia cho có hoặc kiểu “đánh trống ghi tên”.
Khi tham gia, cán bộ phải nắm được vai trò, nhiệm cụ thể của mình là gì. Dù kỳ thi được tổ chức nhiều năm nhưng ở đâu đó vẫn còn những cá nhân thực hiện không hết vai trò, nhiệm vụ của mình dẫn đến sai sót. Năm nay, các Sở GD&ĐT phải cẩn thận tà soát kỹ các khâu, khi thành quy trình, mọi người làm đúng vai trò, nhiệm vụ thì kỳ thi sẽ hết sức nhẹ nhàng.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố bắt tay vào chuẩn bị ngay các việc tiến tới cho kỳ thi. Bộ trưởng Nhạ cho rằng, từ nay đến kỳ thi chỉ còn khoảng 2 tháng, không để dồn việc đến sát ngày thi mới chuẩn bị.
Bộ trưởng yêu cầu các Sở chỉ đạo các nhà trường ôn tập, chuẩn bị tốt kiến thức cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nhất. Tránh việc để học sinh học và ôn thi hoang mang. Đề thi sẽ không có các câu đánh đố. Các nhà trường chỉ đạo kiểm doát việc dạy thêm, học thêm để dạy học an toàn, nhẹ nhàng.
Thanh tra không chồng chéo, không điểm mờ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý các địa phương để tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sở GD&ĐT và các lực lượng tham mưu UBND cấp tỉnh làm hết chức năng, nhiệm vụ.
Riêng thanh tra thi, năm nay có điểm mới là có thêm thanh tra cấp tỉnh; Bộ tăng cường thanh tra là cán bộ các trường ĐH, đảm bảo ít nhất mỗi 1 điểm thi sẽ có 3 cán bộ, giảng viên ĐH về thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Thứ trưởng Thưởng cho rằng,kỳ thi năm nay Bộ GD&ĐT không buông xuôi, khoán trắng cho các địa phương mà sẽ làm hết chức trách, nhiệm vụ. Điều này không chỉ thể hiện ở khâu ra đề thi, cung cấp khâu kỹ thuật liên quan đến chấm thi mà thể hiện rõ ở khâu thanh tra. Mục đích của thanh tra nhằm làm rõ hơn việc phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra ở tất cả các khâu, giúp các cấp làm đúng việc, nhiệm vụ.
Tuy năm nay có 3 lực lượng thanh tra cấp bộ, sở, tỉnh nhưng sẽ có hướng dẫn rõ trách nhiệm, rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp, trách nhiệm vì thế không có chuyện chồng chéo giữa các lực lượng. Yêu cầu mọi công đoạn thanh tra không có khoảng trống, điểm mờ mà có mặt hết trong tất cả các khâu từ chuẩn bị thi, thi, chấm thi, làm phách…
Tại cuộc họp, các địa phương cũng đã nêu những băn khoăn, các vấn đề chưa rõ trong quy chế thi năm nay.
https://www.tienphong.vn/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-bo-truong-giao-duc-chiu-trach-nhiem-rat-lon-1668702.tpo