Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị những năm tới các trường tiếp tục dạy học trực tuyến bên cạnh dạy trực tiếp để rút ngắn thời gian dạy và học.
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, dạy học từ xa chiều 3/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết qua khảo sát, trong thời gian nghỉ học phòng chống Covid-19, 80% học sinh được dạy học qua Internet và truyền hình, riêng khu vực thành phố trên 90%. Kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của học sinh, giáo viên được nâng cao, chất lượng dạy và học đảm bảo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định tới đây phương thức dạy học qua Internet, truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai. Nó không phải là giải pháp tình thế nữa mà sẽ là cộng hưởng với dạy học trực tiếp. Nếu làm tốt, việc này không chỉ hỗ trợ giáo viên mà còn rút ngắn thời gian học trên lớp của học sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị chiều 3/6. Ảnh: MOET.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn rõ những hạn chế về hạ tầng, đường truyền, thiết bị kết nối đầu cuối hay sự chênh lệch trong việc tiếp cận của học sinh ở các vùng miền và vạch ra một số việc cần làm.
Đầu tiên, cần tiếp tục tập trung hạ tầng công nghệ thông tin gồm phần mềm, kết nối đầu cuối, đảm bảo an ninh mạng. Đối với máy chủ đường truyền, các địa phương phối hợp với nhà mạng, công ty công nghệ để thực hiện.
Về phần mềm quản lý dạy và học, nhiều nhà trường chưa làm bài bản. Ông Nhạ cho rằng tới đây phải theo hệ thống chặt chẽ. Các trường cũng phải quan tâm bảo mật thông tin, an toàn trong môi trường mạng cho học sinh, giáo viên.
Tiếp theo, cần xây dựng kho học liệu số. Những thầy cô có kinh nghiệm sẽ được chọn, mời thực hiện các bài giảng trên cơ sở chương trình tinh giản để có kho học liệu dùng chung.
Cùng với đó là tập huấn giáo viên, hướng dẫn phương pháp sư phạm dạy trực tuyến "để dạy học trực tuyến trở thành nghề chứ không phải cứ biết công nghệ là dạy được". Học sinh cũng cần được hướng dẫn để nâng cao nâng cao tính tự giác và trách nhiệm, nhất là về kiến thức, kỹ năng phòng tránh tác động xấu khi tham gia môi trường mạng.
Nhà trường phải tiếp tục kết hợp giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp. "Những tiết nào có thể học trực tuyến thì thống nhất để kết hợp, có quy định về chế độ dạy học để giáo viên yên tâm, đồng thời có biện pháp nhắc nhở thầy cô không tham gia vào chuyển đổi số", ông Nhạ nhấn mạnh.
Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy chế dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để nhà trường áp dụng. Việc thu học phí đối với phương thức dạy và học trực tuyến cũng sẽ được quy định để người cung cấp dịch vụ giáo dục và người nhận dịch vụ thống nhất. Với bậc đại học, ông Nhạ yêu cầu các trường tăng cường hình thức đào tạo từ xa. Hiện, chỉ khoảng 50% trường quan tâm đến hình thức này.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo thông tin thêm Bộ cũng sẽ sớm xây dựng trung tâm điều hành giáo dục, kết nối thông tin tới từng Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học để tránh thông tin không đầy đủ hoặc chậm.
GS Phạm Tất Dong đánh giá cao việc dạy và học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học. Ảnh: MOET.
GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học, đồng ý phải tiếp tục tổ chức dạy và học trực tuyến, coi đây là phương pháp học tập hiệu quả bên cạnh học trực tiếp. "Bộ nên xác định học trực tuyến không phải chỉ của riêng đại học mà phải tổ chức dạy học trực tuyến từ mẫu giáo để tạo ra thế hệ mới rất thạo công nghệ thông tin, tạo ra những công dân toàn cầu", ông Dong nói.
Theo GS Dong, trước mắt việc dạy và học trực tuyến có thể áp dụng ngay với học sinh lớp 1 học theo chương trường giáo dục phổ thông mới. Theo đó, sách giáo khoa mới ngoài bản in phải có thêm bản điện tử. Một số tiết phải được dạy trực tuyến để nâng cao hiệu quả dạy và học.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết sẽ tiếp tục phát triển phương thức dạy học trực tuyến trong các trường học trên địa bàn. Ông Quang hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện đồng bộ; đồng thời xây dựng hệ thống tài liệu số để tăng chất lượng dạy học trực tuyến.
Nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành cũng cho biết sẽ tiếp tục kết hợp phương pháp dạy học trực tuyến và trực tiếp, ví dụ TP HCM, Nghệ An.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7. Từ giữa tháng 3, Bộ đề nghị các địa phương hướng dẫn nhà trường tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, phân công giáo viên phối hợp với gia đình quản lý, nhận xét.
Theo Dương Tâm/VnExpress
https://vnexpress.net/tiep-tuc-to-chuc-day-hoc-truc-tuyen-4110008.html