Hệ thống sẽ cảnh báo nếu các trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo cũng như cảnh báo nếu phát hiện giảng viên cơ hữu đứng tên ở nhiều trường...
Thí sinh dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ tại TP.HCM năm 2019 - Ảnh: TỰ TRUNG
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết năm nay bộ xây dựng phần mềm quản lý chỉ tiêu tuyển sinh để phát hiện và cảnh báo các trường về việc trùng giảng viên, xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực để đảm bảo chất lượng.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với bà Thủy về vấn đề này.
Các trường sẽ báo cáo về Bộ GD-ĐT và công khai đề án tuyển sinh riêng trên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh, xã hội giám sát, cập nhật thông tin.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy
* Năm nay bộ rà soát đề án tuyển sinh khá kỹ nhằm tránh trường hợp nhiều trường công bố đề án rồi rút xuống điều chỉnh lại. Việc rà soát này được thực hiện thế nào, thưa bà?
- Bộ GD-ĐT xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm quản lý về chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm mầm non. Phần mềm này sẽ hỗ trợ các trường trong khai báo, cập nhật tình hình thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019, các điều kiện đảm bảo chất lượng trong xác định chỉ tiêu năm 2020 bằng hình thức online.
Đây là công cụ để tổng hợp, cập nhật dữ liệu về chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục ĐH. Hệ thống sẽ cảnh báo nếu các trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo cũng như cảnh báo nếu phát hiện giảng viên cơ hữu đứng tên ở nhiều trường...
Các trường căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thị trường lao động, được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trong việc xác định, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - Ảnh: FTU
* Các trường phải nhiều lần điều chỉnh đề án tuyển sinh. Đến thời điểm này, trang tuyển sinh của Bộ GD-ĐT chưa có bất kỳ đề án tuyển sinh nào của các trường?
- Dịch COVID-19 làm cho việc học tập bị gián đoạn khiến công tác thi, tuyển sinh ĐH năm nay cũng bị ảnh hưởng, diễn ra trễ hơn so với mọi năm. Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vì thế cũng sẽ được ban hành muộn hơn so với mọi năm. Hiện quy chế vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Kế hoạch tuyển sinh của các trường phụ thuộc vào kế hoạch thi tốt nghiệp THPT nên các trường chưa thể hoàn thiện đầy đủ và công bố đề án tuyển sinh vào thời điểm này.
Năm nay, theo quy định, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển.
* Những nội dung nào trong việc xác định chỉ tiêu của các trường được bộ chú ý để đảm bảo chất lượng?
- Ngoài rà soát tiêu chí về điều kiện giảng viên, các trường cần đảm bảo căn cứ pháp lý và các tiêu chí trong xác định chỉ tiêu theo quy định. Cụ thể: tiêu chí số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo từng khối ngành/từng ngành đào tạo; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo (thuộc sở hữu của trường) tính trên một sinh viên chính quy của các hạng mục công trình; yêu cầu về chủng loại, số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu theo yêu cầu của chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học...
Tiêu chí nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội: cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải căn cứ nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương và của ngành...
Điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm * Theo nhiều trường, việc giao chỉ tiêu sư phạm của bộ quá chặt chẽ dẫn đến việc có những ngành chỉ có 10, 20 chỉ tiêu gây khó khăn cho đào tạo của các trường... - Trước thực trạng dôi dư giáo viên ở một số bậc học tại nhiều địa phương trên cả nước thời gian trước đây, đồng thời nhằm cân đối chỉ tiêu đào tạo giáo viên với đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, từ năm 2018 Bộ GD-ĐT đã có chủ trương điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh mới và nâng chuẩn đào tạo với ngành đào tạo sư phạm. Năm 2020, chỉ tiêu đào tạo sư phạm về cơ bản vẫn giữ nguyên tắc xác định chỉ tiêu như năm 2018, 2019. Đó là căn cứ trên cơ sở chỉ tiêu xác định theo nhu cầu địa phương và năng lực đào tạo của trường. Trong trường hợp nếu tỉnh có nhu cầu giáo viên ở một ngành thấp (ngành đào tạo số lượng hạn chế), Bộ GD-ĐT giao cho trường thuộc địa phương đào tạo. Nếu trường không có khả năng tổ chức đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu đó cho các ĐH vùng hoặc ĐH Quốc gia đào tạo cho tỉnh. Và chỉ tiêu được giao này cũng không vượt quá nhu cầu của địa phương đã xác định. |
Theo Minh Giảng/Tuổi trẻ (thực hiện)
https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-ap-dung-phan-mem-chong-gian-lan-tuyen-sinh-2020-20200529101215356.htm