Bạn nên giảm bớt kỳ vọng, khuyến khích con cố gắng hết sức để tốt hơn so với bản thân trong quá khứ, thay vì so sánh với bạn bè cùng lớp.
1. Giữ bình tĩnh
Theo các chuyên gia giáo dục, việc phụ huynh la mắng, chì chiết trẻ vì bị điểm kém sẽ không thúc đẩy các em tiến bộ. Ngược lại, nó khiến trẻ vừa áp lực vì điểm số, vừa căng thẳng khi phải chia sẻ tiến độ học tập với gia đình.
Nếu bạn cảm thấy không thể giữ bình tĩnh khi con nhận điểm kém, hãy tạm dừng cuộc nói chuyện, suy nghĩ một mình hoặc làm một việc khác như dọn nhà, nấu ăn. Khi trì hoãn cuộc trò chuyện, bạn sẽ lấy lại bình tĩnh để suy xét vấn đề, tránh việc nói những lời tiêu cực ảnh hưởng đến trẻ.
2. Xác định vấn đề
Khi đã lấy lại bình tĩnh, phụ huynh hãy ngồi xuống và cùng trẻ thảo luận vấn đề học tập. Bằng thái độ thoải mái, cởi mở, bạn hãy khuyến khích con chia sẻ những lý do dẫn đến việc học tập kém hiệu quả.
Có rất nhiều vấn đề dẫn đến việc trẻ bị điểm ké. Lớp học quá khó có thể là lý do vì đôi khi trẻ được xếp vào lớp hoặc nhóm học tập có trình độ cao hơn nên không thể theo kịp bạn bè. Trẻ không làm bài tập về nhà cũng có thể khiến việc học giảm sút do không thực hiện hoạt động ôn luyện. Trẻ nghỉ học quá nhiều nên không thể theo kịp bài giảng trên lớp. Hoặc trẻ có gặp phải vấn đề tâm lý như căng thẳng khi phải làm bài kiểm tra, áp lực ganh đua trong học tập dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo khi làm bài.
Ảnh: Shutterstock.
3. Nói chuyện với giáo viên
Hầu hết trẻ em đều không muốn bố mẹ trò chuyện với giáo viên, nhưng việc thảo luận vấn đề học tập cùng giáo viên là cần thiết. Sau khi xác định được vấn đề, bạn có thể nghĩ ra nhiều biện pháp giải quyết, nhưng vẫn nên tham khảo ý kiến của thầy cô, những người trực tiếp theo dõi tiến trình học tập của trẻ. Bạn có thể hỏi giáo viên rằng trẻ nên làm gì hoặc cải thiện điều gì để việc học tiến bộ.
Ngoài ra, khi trò chuyện với giáo viên, phụ huynh có thể phát hiện những vấn đề diễn ra trong lớp có tác động đến việc học của trẻ. Ví dụ các em chơi cùng nhóm bạn lười học, thường xuyên mất tập trung khi ngồi học. Từ đó, hai bên có thể thảo luận biện pháp để giúp trẻ thay đổi.
4. Giải quyết vấn đề
Sau khi đã tìm ra lý do con bị điểm kém, bạn hãy cùng con thảo luận về hướng giải quyết. Bạn hãy khuyến khích con đề xuất biện pháp cải thiện tình hình. Khi các biện pháp được đưa ra, hãy nhắc nhở con thực hiện, không lặp lại sai lầm.
Chẳng hạn, nếu trẻ có ít thời gian làm bài tập về nhà do hoạt động ngoại khóa kín mít, hãy khuyến khích con dừng một số hoạt động không thực sự cần thiết. Nếu trẻ nghiện thiết bị công nghệ thay vì học tập, bạn phải giới hạn thời gian chơi của con như chỉ được chơi máy tính một tiếng mỗi ngày hoặc chỉ chơi vào cuối tuần.
Một biện pháp khác là thuê gia sư hoặc đến trung tâm học thêm, nhưng bạn nên hỏi ý kiến con trước khi đưa ra quyết định và cân nhắc lịch học hiện tại của con có phù hợp để tham gia học thêm hay không.
5. Chú ý áp lực
Nếu lý do con bị điểm kém xuất phát từ "tâm bệnh" như lo âu, căng thẳng, áp lực, bạn nên chú ý đến tình trạng của con. Áp lực này có thể đến từ việc gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng lên con hoặc sự ganh đua giữa bạn bè trong lớp.
Phụ huynh nên giảm bớt kỳ vọng để các con được thoải mái. Hoặc khuyến khích con cố gắng hết sức để tốt hơn so với bản thân trong quá khứ, thay vì so sánh với bạn bè cùng lớp. Bạn nên thể hiện tình yêu với con, ngay cả khi các em nhận điểm kém. Khi thấy con làm việc quá sức, bạn cũng nên nhắc nhở con nghỉ ngơi bằng các hoạt động giải trí như thể thao, đi dạo, vẽ tranh.
Theo Tú Anh/VnExpress (nguồn Verywell Family)
https://vnexpress.net/ung-xu-khi-con-nhan-diem-kem-4105014.html