Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, một số địa phương đã làm khủng hoảng niềm tin của xã hội mà dư âm đến nay, sau 2 năm, vẫn còn "nóng".
Thi tốt nghiệp THPT 2020, khuyến khích cung cấp bằng chứng gian lận
Những trường đại học dành hơn 70% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Marie - Curie Hà Nội
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Marie - Curie Hà Nội, một trong những mục tiêu chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT là lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, và các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Ngoại trừ việc ra đề thi do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm, tất cả các khâu quan trọng khác đều giao địa phương. Theo đó, mỗi tỉnh thành lập một hội đồng thi, chịu trách nhiệm in sao đề thi, coi thi và chấm thi.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, nếu chỉ xét tốt nghiệp THPT thì nỗi lo không nhiều. Hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các tỉnh đạt 95% trở lên là phổ biến. Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có quyền tự chủ có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Năm nay, rất nhiều trường đại học, thậm chí những trường tốp đầu đều thông báo sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, theo thầy Nguyễn Xuân Khang, việc này thuận tiện cho các trường đại học vì không phải tự tổ chức thêm một kỳ thi tuyển sinh, vừa vất vả lại tốn kém.
Học sinh và gia đình học sinh rất mừng vì các trường đại học, cao đẳng lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tuy nhiên, như nhận định của thầy Nguyễn Xuân Khang, nỗi lo cũng bắt đầu từ đây.
"Các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học với địa phương (50 - 50) cả ba khâu in sao đề thi, coi thi và chấm thi. Trong khi đó kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có sự tham gia của các trường đại học, giao toàn bộ cho địa phương. Có thể yên tâm được không?", thầy Nguyễn Xuân Khang đặt câu hỏi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo nghiêm túc
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, từ phụ huynh đến học sinh, tất cả đều mong muốn công bằng, phải giữ được sự công bằng trong thi cử. Muốn được như vậy thì phải nghiêm túc, trung thực và khách quan.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, một số địa phương đã làm khủng hoảng niềm tin của xã hội mà dư âm đến nay, sau 2 năm, vẫn còn "nóng". "Sự thật đau xót đó ngay lập tức được mổ xẻ đến tận gốc rễ. Nguyên nhân, hậu quả được xác định nghiêm túc. Trách nhiệm cá nhân, tập thể được xác định rõ ràng... Bài học kinh nghiệm phải trả cái giá quá đắt!", thầy Nguyễn Xuân Khang nói, đồng thời khẳng định nhờ sự quyết liệt đó mà kỳ thi THPT quốc gia 2019 thành công, sự nghiêm túc, trung thực, khách quan và công bằng được lập lại và niềm tin của xã hội đang dần trở lại.
"Điều này chứng tỏ nếu quyết tâm, quyết liệt... dù khó đến đâu chúng ta vẫn làm được và làm tốt!", Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Marie - Curie Hà Nội nhấn mạnh.
"Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, gồm 45 trang. Với trách nhiệm của một 'công dân giáo dục', tôi đã đọc kỹ từng trang và thật sự yên tâm. Vấn đề còn lại là thực hiện nghiêm túc quy chế này", thầy Nguyễn Xuân Khang nói thêm.
Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 sẽ có 63 Hội đồng thi của các tỉnh/thành phố. Cán bộ lãnh đạo, cán bộ in sao đề thi, coi thi và chấm thi đều của địa phương. Ba hệ thống thanh tra giám sát độc lập gồm thanh tra của Bộ GDĐT, thanh tra của tỉnh, thanh tra của Sở GDĐT vào cuộc. Công nghệ số giúp cho khâu hậu kiểm dễ dàng phát hiện điểm dị thường kết quả thi..
Theo Nguyễn Hà/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2020-con-do-noi-lo-mang-ten-dia-phuong-1662586.tpo