100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 phải được bồi dưỡng hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới trước 30/7.
Phát biểu tại Hội thảo triển khai thực hiện Quy chế bồi dưỡng thường xuyên, cơ chế phối hợp các bên liên quan trong bồi dưỡng thường xuyên thuộc chương trình ETEP; kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục đào tạo nói chung và công tác đổi mới chương trình, SGK mới nói riêng. Do đó, Thứ trưởng cho rằng, việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp, là rất quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo.
Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên; chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đây là những căn pháp lý để các địa phương triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên của tỉnh mình.
Trong giai đoạn này, để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên cần ưu tiên cho các nội dung về chương trình 2018. Trong đó, tập trung vào 4 modul là: hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 (modul 1); phương pháp dạy học và giáo dục (modul 2); kiểm tra đánh giá học sinh (modul 3); xây dựng kế hoạch dạy học giáo dục (modul 4).
“100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 phải được bồi dưỡng hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 trước 30/7. Hết 31/12, toàn bộ giáo viên cấp tiểu học phải được bồi dưỡng về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 và bồi dưỡng phương pháp dạy học-giáo dục. Đối với cấp THCS, THPT, hết năm 2020, tất cả giáo viên phải được bồi dưỡng về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng nhấn mạnh, chỉ khi cán bộ quản lý, giáo viên hiểu kỹ, nắm chắc chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; thì triển khai dạy học mới có thể thành công.
Theo số liệu của chương trình ETEP (chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông), đến hết năm 2019, đã có 28.221 giáo viên phổ thông cốt cán được bồi dưỡng modul 1 “Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT2018”; 3.984 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được bồi dưỡng modul 1 “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường phổ thông”. Trong đó, 25.014 giáo viên phổ thông cốt cán hoàn thành modul 1 với 88% giáo viên được đánh giá đạt; 3.951 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hoàn thành modul 1 và 99% được đánh giá “đạt”.
Bồi dưỡng thường xuyên kết hợp trực tiếp và trực tuyến
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, theo Quy chế Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên, có 3 loại hình bồi dưỡng là: tập trung (trực tiếp), từ xa (trực tuyến) và bán tập trung (kết hợp trực tiếp và trực tuyến).
Giáo viên đại trà và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại trà sẽ có 5 ngày tự học có hướng dẫn qua mạng, sau đó 3 ngày bồi dưỡng trực tiếp thông qua sinh hoạt chuyên môn tại trường hoặc cụm trường. 7 ngày tiếp đó, thầy cô tự nghiên cứu tài liệu và làm bài kiểm tra chất lượng bồi dưỡng. Chỉ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá “Đạt” mới được tham gia giảng dạy trực tiếp trên lớp.
Tài liệu học tập cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ GDĐT phát hành trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến. Mỗi giáo viên được cấp một tài khoản để truy cập vào hệ thống học tập trực tuyến đó và nghiên cứu tài liệu, tương tác với giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm.
Với cách làm trên, tất cả giáo viên các cấp đều được tiếp cận tài liệu gốc, được giáo viên phổ thông cốt cán, giảng viên sư phạm hỗ trợ bồi dưỡng. Như vậy, tất cả thầy cô đều là F1 của quá trình bồi dưỡng. Những hạn chế trong phương thức bồi dưỡng trước đây là: Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán ở trung ương, giáo viên cốt cán trung ương trở về bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh; giáo viên cấp tỉnh lại bồi dưỡng cho giáo viên cấp huyện/trường, sẽ được khắc phục.
“Mô hình trên vừa tiết kiệm về thời gian, không gian học tập cho giáo viên, cán bộ quản lý, giúp thầy cô nghiên cứu tài liệu được nhiều lần, học ở mọi lúc, mọi nơi. Tất cả cán bộ quản lý và giáo viên được tiếp cận nội dung học tập một cách trực tiếp với cùng một hình thức bồi dưỡng. Trong suốt quá trình bồi dưỡng, giáo viên cốt cán và cán bộ phòng chuyên môn của Sở, giảng viên đại học đã hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, giúp giáo viên học tập đạt hiệu quả”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên Đỗ Văn Khải cho biết.
Ông cho biết, sau khi hoàn thành nội dung bồi dưỡng, cán bộ và giáo viên được hệ thống quản lý học tập trực tuyến đánh giá tiến trình học tập và cho điểm cụ thể. Từ đó, giáo viên thấy được những ưu điểm và hạn chế của bản thân trong quá trình tham gia bồi dưỡng và đó là động lực để thầy cô thay đổi trong những đợt tiếp theo.
Tại hội thảo, đại diện Học viện Quản lý giáo dục và các trường Sư phạm tham gia chương trình ETEP đều cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT các tỉnh để bồi dưỡng hiệu quả, chất lượng nhất cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/100-giao-vien-day-lop-1-phai-duoc-boi-duong-truoc-307-1050067.vov