Tuyển sinh đại học bằng hình thức phỏng vấn vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh trong mùa tuyển sinh năm 2020.
Phỏng vấn là hình thức tuyển sinh được áp dụng rộng rãi tại các nhiều trường đại học trên thế giới. Đối với nhiều trường đại học top đầu, phỏng vấn tuyển sinh là bắt buộc đối với các ngành khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ.
Tại Việt Nam, hiện nay ngày càng có nhiều trường đại học áp dụng hình thức tuyển sinh thông qua phỏng vấn, bên cạnh hình thức tuyển sinh xét nguyện vọng qua Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nói về ưu điểm của hình thức phỏng vấn tuyển sinh, GS. Etienne Saur, Hiệu trưởng chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp) cho biết: “Động lực đã được chứng minh là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thành công trong học tập và công việc sau khi tốt nghiệp của sinh viên.
Việc gặp gỡ và trao đổi với thí sinh trong buổi phỏng vấn sẽ giúp Hội đồng đánh giá toàn diện thí sinh, về kiến thức, các kỹ năng như giao tiếp, tư duy cũng như động lực học tập, bên cạnh kết quả điểm số thể hiện trong hồ sơ ứng tuyển.
Qua đó, Nhà trường cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng và kế hoạch phát triển của sinh viên để có thể đồng hành, hỗ trợ các em tốt hơn trong quá trình học tập sau này.”
Không khí cởi mở trong một buổi phỏng vấn tuyển sinh tại USTH
Theo GS. Etienne Saur, năm 2020, USTH (Đại học Việt Pháp) tổ chức 5 đợt tuyển sinh trực tiếp thông qua phỏng vấn, trong đó có 4 đợt trước kỳ thi THPT Quốc gia. 80% chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học của Trường sẽ được dành cho hình thức tuyển sinh này.
Thí sinh ở tỉnh xa Hà Nội có thể lựa chọn phỏng vấn trực tuyến thay vì đến phỏng vấn trực tiếp tại USTH.
Trong những năm gần đây, học sinh cấp 3 không còn e ngại thử sức mình trong những buổi phỏng vấn với Hội đồng tuyển sinh mà chủ động lựa chọn phương thức này để tận dụng thế mạnh của bản thân, gia tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học.
Về lợi thế của hình thức tuyển sinh này với thí sinh, Nguyễn Hoàng Long, trường THPT Chuyên Sư Phạm, Hà Nội đánh giá: “Hình thức tuyển sinh trước kỳ thi THPT Quốc gia thông qua phỏng vấn góp phần giảm tải áp lực tâm lý cho học sinh lớp 12. Mặc dù chưa thi đại học, học sinh đã có cơ hội được lựa chọn vào ngành học và trường đại học mình yêu thích. Khác với bài thi trên giấy, phỏng vấn cho phép thí sinh bộc lộ hết tiềm năng và khả năng của bản thân.”
Bên cạnh phỏng vấn trực tiếp, thí sinh còn có thể tham gia phỏng vấn tuyển sinh trực tuyến
Cùng chung quan điểm với Hoàng Long, Hoàng Văn Đông, trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương cho biết phỏng vấn giúp bạn chứng tỏ khả năng phản biện và tư duy logics, những điều khó thể hiện qua hình thức thi truyền thống.”
Không chỉ vậy, nhiều học sinh lớp 12 cũng bày tỏ phỏng vấn là cơ hội “vàng” để gặp gỡ Ban giám hiệu và giảng viên trường đại học mình ứng tuyển.
Nguyễn Duy Khánh, trường THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội, thí sinh vừa buổi phỏng vấn tuyển sinh tại USTH ngày 10/5 chia sẻ: “Trước đây, mình chủ yếu tìm hiểu về trường và ngành học mình đăng ký thông qua báo chí và mạng xã hội. Nhân buổi phỏng vấn, mình đã hỏi sâu hơn các thầy cô về những thắc mắc về chương trình đào tạo và nhận được những thông tin rất hữu ích. Nhờ những lời chia sẻ đó mình đã tự tin hơn vào sự lựa chọn của bản thân.”
Theo Hồng Hạnh/Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tuyen-sinh-2020-ap-dung-hinh-thuc-phong-van-de-chon-truc-tiep-thi-sinh-20200513075842849.htm