Năm nay, phần lớn các trường ÐH tốp trênkhông tổ chức thi tuyển sinh riêng đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển để tránh rủi ro. Do độ phân hóa của đề thi năm nay không cao như mọi năm vì mục tiêu của kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp.
Ðã sẵn sàng cho một mùa tuyển sinh nhiều biến động - Ảnh: Như Ý
Dự kiến sẽ “mưa” điểm 10?
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - Bộ GD&ĐT, đề thi chính thức sẽ bám sát đề tham khảo để giáo viên, học sinh xác định hướng ôn tập. Các chuyên gia đánh giá, mức độ phân hóa của đề tham khảo năm nay giảm so với đề thi THPT quốc gia những năm trước. So với đề thi tham khảo Bộ GD&ĐT công bố ngày 3/4, đề thi có độ phân hóa tốt hơn ở 5 câu hỏi cuối (khoảng điểm 9, 10).
Thầy Mai Hùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội, cho rằng, nếu đề chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng được xây dựng theo hướng của đề thi tham khảo thì khả năng năm nay phổ điểm thi sẽ cao. “Đề thi dễ quá thì không sàng lọc được thí sinh. Năm nay, việc sàng lọc sẽ khó vì câu sàng lọc ít, trong khi thí sinh vẫn có thể sử dụng chiêu thức “đánh bừa ăn may”. Đề tham khảo môn Toán có 50 câu nhưng có tới 40 câu kiến thức đòi hỏi ở mức cơ bản nhất. 10 câu còn lại làm thế nào để phân hóa tốt thí sinh?”, thầy Hùng đặt câu hỏi.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THCS &THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói rằng, đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố dễ hơn lần 1 khá nhiều. Học sinh khá, giỏi có thể làm rất nhanh (tầm 40-45 phút). Học sinh lực học Toán tốt, kiến thức chắc, kỹ năng nhanh có thể đạt 10 điểm. Nếu đề thi chính thức được ra theo hướng này sẽ rất dễ xảy ra “mưa” điểm cao như năm 2017. “Với đề thi này, thuận lợi cho thí sinh ôn tập trong hoàn cảnh phải nghỉ học dài ngày do dịch bệnh, nhưng sẽ gây khó khăn cho các trường ĐH xét tuyển. Để đảm bảo tuyển được những thí sinh có năng lực, các trường ĐH nên sử dụng tiêu chí phụ”, thầy Tùng nói.
“Chia trứng vào nhiều giỏ”
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, năm nay, trường bổ sung một phương thức tuyển sinh. Đó là bên cạnh phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với các tổ hợp môn thi như năm 2019, trường kết hợp giữa kết quả bài thi kiểm tra tư duy với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán-Lý hoặc Toán-Hóa) để xét tuyển.
Phương thức này chỉ áp dụng cho khối ngành Kỹ thuật và Kinh tế (không áp dụng cho ngành Ngôn ngữ Anh) và dự kiến lấy từ 30% đến 35% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Trường cũng dành từ 10% đến 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, bao gồm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn đối với học sinh trường chuyên (hệ chuyên các môn phù hợp), học sinh đạt giải thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên, có chứng chỉ quốc tế, có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực khác.
Đại diện Trường ĐH Ngoại thương cho biết, sắp tới sẽ công bố đề án tuyển sinh chính thức lên website. Năm nay, trường có tới 5 phương án xét tuyển. “Mỗi phương thức, trường dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định. Đây là những phương án được đúc kết từ chính những phân tích dữ liệu đầu vào, dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực sau khi thí sinh vào trường và kết quả học tập hằng năm của sinh viên. Chính vì vậy, dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có như thế nào thì trường vẫn có thể tuyển được những sinh viên theo yêu cầu và công bằng với các thí sinh. Vì chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT không lớn như những năm trước”, vị đại diện này nói.
GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nói rằng, dự kiến phương án tuyển sinh của trường không thay đổi so với năm 2019. “Nếu năng lực không đủ, vào học sẽ bị bật ra, mất thời gian, mất tiền. Ví dụ như có thí sinh trong vụ việc tiêu cực thi cử tại Sơn La năm 2018, đã trúng tuyển vào trường, nhưng sau một kỳ học, kết quả rất rõ”, GS. Văn nói.
Theo ông, khối trường y dược hay những trường kỹ thuật yêu cầu cao như ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ luôn có cách để tuyển được thí sinh như mong muốn. Dù vậy, theo đại diện trường ĐH Ngoại thương, với bối cảnh như năm nay, “chia trứng vào nhiều giỏ” (sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, chia chỉ tiêu cho các phương thức này) là một giải pháp an toàn cho các trường và đảm bảo được công bằng cho thí sinh.
Ðến nay, hệ thống giáo dục ÐH công lập chỉ còn ÐH Quốc gia TPHCM vẫn giữ kỳ thi đánh giá năng lực đã tổ chức từ mấy năm qua.
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/dung-nhieu-phuong-thuc-xet-tuyen-%C3%B0ai-hoc-2020-1655737.tpo